Nguyên nhân được xác định do cáp bị đứt tại vị trí cách bờ Singapore khoảng 130 km. Sự cố làm mất toàn bộ lưu lượng kết nối internet quốc tế từ Việt Nam đi Singapore của tuyến cáp này.
Tuyến cáp biển Liên Á được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009. Đây là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn lưu lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm AsiaPacific Gateway (APG), Asia America Gateway (AAG), AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1) và SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3).
Có tổng chiều dài 6.800 km, tuyến cáp biển Liên Á kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản. Liên Á là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực châu Á.
Đáng chú ý, tuyến cáp quang IA gặp sự cố trong bối cảnh 3 tuyến cáp khác đã gặp sự cố trước đó. Cụ thể, lần lượt vào các ngày 26/12/2022 và 21/1/2023 (tức ngày 30 Tết), tuyến cáp APG gặp sự cố trên 2 phân đoạn S6 gần Hong Kong (Trung Quốc) và S9 hướng kết nối đi Singapore.
Tuyến cáp AAE-1 gặp sự cố vào cuối tháng 11/2022 trên các nhánh S1H.1 hướng HongKong (Trung Quốc) và S1H.3 hướng đi Singapore. Trong khi lỗi trên nhánh hướng kết nối đi Singapore đã được sửa xong vào ngày 14/1/2023, sự cố trên nhánh cáp kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) hiện vẫn chưa được khắc phục.
Trong năm 2021, tuyến cáp AAG nhiều lần gặp sự cố trên cả 2 hướng kết nối đi Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Với hướng cáp đi Singapore, cáp AAG gặp sự cố trên các nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei); ở hướng kết nối Hong Kong (Trung Quốc), cáp AAG bị lỗi trên nhánh S1H và S1I.
Theo thông tin từ các nhà mạng, đến nay chỉ có sự cố trên nhánh S1H đã hoàn thành việc sửa chữa. Việc các tuyến cáp quang biển gặp sự cố chỉ ảnh hưởng đến lưu lượng internet đi nước ngoài, trong khi đó các dịch vụ và trang web đặt máy chủ tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố này.
Theo TTXVN/Báo Tin tức