Khẩn trương ứng phó và khắc phục mưa lũ

Trong 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 60 đến 90mm; trong đó, tại xã Lợi Hải 123mm, Công Hải 160mm… Tính đến 7giờ, ngày 29-11, tổng dung tích 22 hồ chứa trên địa bàn tỉnh được 295,94 triệu m3/414,29 triệu m3 đạt 71,20%. Qua thống kê sơ bộ, mưa lũ làm ngập hơn 675 ha lúa, rau màu; ngập 25 ngôi nhà ở xã Tân Hải ( Ninh Hải)... một số tuyến đường giao thông bị ngập cục bộ...

Dự báo trong 12 giờ tới, toàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to; với lượng mưa phổ biến từ 30 đến 50mm, có nơi trên 50mm. Khả năng diễn biến lũ theo các lưu vực sông: Mực nước trên Sông Cái Phan Rang tại trạm Thủy văn Tân Mỹ dao động ở mức báo động 1 đến báo động 2; trên Sông Lu tại trạm Thủy văn Phước Hà ở mức báo động 2 đến báo động 3. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các xã: Phước Thành (Bác Ái); Phước Chiến, Phước Kháng, Công Hải (Thuận Bắc); Vĩnh Hải (Ninh Hải); Phước Dinh, Phước Diêm (Thuận Nam). Đề phòng ngập úng trên một số tuyến đường trong Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Phước, huyện Ninh Hải. Chú ý an toàn khi đi qua các đường tràn. Đề phòng sạt lở đất, đá trên đường đèo Sông Pha, Phước Hòa-Phước Bình, Vĩnh Hy-Bình Tiên, Phước Dinh-Cà Ná.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Để chủ động đối phó với mưa, lũ trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Thông báo số 06/TB-PCTT về việc triển khai công tác phòng, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Đối với các địa phương khẩn trương rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt, vùng hạ lưu các hồ chứa nước để chủ động tổ chức di đời, Sơ tán người dân đến nơi an toàn. Triển khai phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất, chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân. Yêu cầu, hướng dẫn người dân sơ tán thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mưa lũ lớn xảy ra; hướng dẫn người dân đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Tổ chức lực lượng để canh gác, cắm biển cảnh báo tại các tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt. Thông tin kịp thời cảnh báo đến tất cả các đối tượng bị ảnh hưởng của mưa lũ để chủ động ứng phó.

Do mưa kéo dài một số khu vực thôn Văn Lâm 3 (Phước Nam) bị ngập nước. Ảnh: Văn Nỷ

Công tác TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh và các Chủ hồ thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, tổ chức trực ban 24/24 giờ, kiểm tra chặt chẽ tình hình an toàn hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện phối hợp với các huyện trên địa bàn trong việc thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du do xả lũ gây ra; thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ để chủ động phòng, tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ lưu đến nơi an toàn. Kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa đã đầy nước; chủ động kiểm tra triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ chứa, nhất là các công trình xung yếu, nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời để đảm bảo an toàn công trình và hạ du hỗ chứa khi hồ xả lũ hoặc có sự cô công trình.

Các lực lượng Quân đội, Công an, Sở Giao thông vận tải…chuẩn bị bố trí, điều động lực lượng, phương tiện trong việc ứng cứu hộ đê, hồ đập, ứng phó với tình hình mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn, cảnh báo, phần luồng giao thông… phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19. Chỉ đạo bảo vệ các mục tiêu quan trọng và giúp dân giải quyết hậu quả sau mưa lũ.

Ngành Y tế chuẩn bị lực lượng cán bộ y tế, cơ số thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh, ứng phó với mưa lũ phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Tổ chức cung ứng, phân phối vật tư, hóa chất, thiết bị cho các địa phương đã sơ tán dân do mưa lũ sử dụng kịp thời, hiệu quả. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương hướng dẫn thực hiện các biệu pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi thực hiện các phương án ứng phó mưa lũ, sơ tán, người dân.