Giải pháp đẩy nhanh chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Vụ đông - xuân 2020-2021 toàn tỉnh triển khai 30 cánh đồng lớn (CĐL) với tổng diện tích hơn 3.929 ha; trong đó, triển khai mới 1 CĐL sản xuất lúa với diện tích 25 ha. Nhờ áp các tiến bộ khoa học-kỹ thuật (KHKT) mới vào các khâu trong quá trình sản xuất, từ vệ sinh đồng ruộng, làm đất, sử dụng giống tốt, lượng giống gieo, bón phân, quản lý cỏ dại, nước, dinh dưỡng, sâu bệnh, nên đạt năng suất và chất lượng sản phẩm cao.

Đối với 24 CĐL sản xuất lúa, quy mô hơn 3.709 ha năng suất trung bình 7,2 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà từ 7-12%, doanh nghiệp tham gia liên kết thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm 50 - 100 đồng/kg; giảm chí phí sản xuất từ 6-10%, hiệu quả tăng từ 25-35% so với sản xuất đại trà. Ông Nguyễn Thành Anh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước), cho biết: Nhờ sản xuất cùng cánh đồng liền vùng, liền thửa, nên thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới vào khâu làm đất; ứng dụng tốt và đồng bộ các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại; năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha. Các CĐL sản xuất cây trồng cạn cũng đạt hiệu quả cao. Đơn cử, sản phẩm bắp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An, xã Phước Vinh (Ninh Phước) được Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam thu mua với giá 9.100 đồng/kg bắp tươi nguyên cùi. Sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận bình quân đạt gần 40 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 22,2 triệu đồng.

Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa tạo thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới hóa
từ khâu làm đất đến thu hoạch.

Chủ trương xây dựng CĐL dựa trên cơ sở nhân rộng các mô hình trình diễn đem lại nhiều lợi ích cho nông dân được triển khai thực hiện từ năm 2015, đến nay phát triển ra ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Điểm mới ở vụ đông - xuân này là, thông qua thực hiện mô hình CĐL, các HTX đã ứng dụng tiến bộ KHKT mới bước đầu có hiệu quả, như: Mô hình san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser, mô hình bao lưới trên giàn táo đã giúp nông dân nông có thêm thu nhập, góp phần thực hiện chủ trương hiện đại hóa ngành Nông nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 2279/QĐ-UBND ngày 25-12-2020 của UBND tỉnh, vụ hè - thu 2021 ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương duy trì 30 CĐL đã thực hiện; đồng thời, triển khai mới 1 CĐL sản xuất lúa quy mô 100 ha ở xã Lương Sơn (Ninh Sơn). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện nắng hạn. Đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ và mở rộng hơn, giúp nông dân an tâm sản xuất và mang lại hiệu quả cao hơn.

Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhìn nhận: Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Đơn cử, trong vụ đông - xuân 2020-2021, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt đã liên kết thu mua sản phẩm nha đam của nông dân phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Sản phẩm được Công ty chế biến thạch nha đam tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ nhà máy chế biến, Công ty đang có kế hoạch triển khai mô hình CĐL kiểu mẫu trồng nha đam quy mô 15 ha ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc). Mô hình thực hiện theo hình thức nông dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đường, điện phục vụ sản xuất, công nghệ tưới tiết kiệm.

Ngành Nông nghiệp đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Để đẩy nhanh chuyển giao KHKT vào sản xuất, việc nhân rộng mô CĐL sản xuất theo chuỗi giá trị có sự liên kết với doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất.