Thực hiện Kế hoạch số 4984/KH-UBND ngày 9-12-2019 của UBND tỉnh về biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện TLGDĐP trong chương trình GDPT, hiện nay, Ban Biên soạn đã xây dựng đề án biên soạn TLGDĐP, lấy ý kiến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở ngành, UBND các huyện, thành phố và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án Biên soạn chương trình, TLGDĐP cấp tiểu học, tỉnh Ninh Thuận theo chương trình GDPT 2018.
Đối với việc lựa chọn Nhà xuất bản, Sở GD&ĐT đang phối hợp với Dự án THCS vùng khó khăn nhất giai đoạn 2 - Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn Bộ TLGDĐP cấp THCS; phối hợp với Công ty CP Dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định xây dựng đề án biên soạn Bộ TLGDĐP cấp tiểu học. Tài liệu lịch sử địa phương tỉnh Ninh Thuận (tài liệu dạy-học đã được UBND tỉnh thẩm định và cho phép Sở GD&ĐT triển khai, xuất bản, đưa vào giảng dạy, học tập ở bậc THCS, THPT trên địa bàn tỉnh từ năm học 2014-2015) đang được sử dụng làm cơ sở cho việc biên soạn Bộ TLGDĐP theo yêu cầu của chương trình GDPT mới.
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Dựa trên định hướng nội dung về các vấn đề: Văn hóa, lịch sử truyền thống; địa lý, kinh tế, hướng nghiệp và chính trị-xã hội, môi trường của địa phương, Ban Biên soạn xây dựng thành 7 nội dung từ lớp 1 đến lớp 5, gồm: Quê hương em; sản vật địa phương; nhân vật lịch sử, văn hóa; di tích lịch sử, văn hóa; nghệ thuật/làng nghề truyền thống; tri thức bản địa: lễ hội truyền thống và văn hóa ứng xử.
Về tổ chức giảng dạy TLGDĐP, từ lớp 1 đến lớp 3 được xây dựng dưới dạng 6 chủ đề, trên cơ sở tích hợp vào chương trình hoạt động trải nghiệm; từ lớp 4 đến lớp 5 tích hợp với chương trình các môn học tiếng Việt, Lịch sử và Địa lý, Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật… của chương trình mới, nội dung GDĐP được lựa chọn và tổ chức thành các bài học. Thời lượng 35 tiết/năm học/lớp.
Sau khi nghe Ban Biên soạn TLGDĐP cấp tiểu học thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Biên soạn tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời, rà soát nội dung chương trình, khẩn trương hoàn chỉnh Đề án Biên soạn chương trình, TLGDĐP cấp tiểu học và tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương, chuyên gia nhằm xây dựng TLGDĐP khoa học, phù hợp.
Lâm Anh