Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong ngày ra quân 2/2/2020, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý 1.136 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế và các cửa hiệu, nhà thuốc; tạm giữ 313.746 khẩu trang các loại.
Như vậy, từ ngày 31/1 đến ngày 2/2/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 1.221 vụ. Tạm giữ 318.616 chiếc khẩu trang (không kể số 94.000 chiếc do Cục QLTT TP.HCM xử lý đối với Công ty TNHH Thiết bị y tế Thời Thanh Bình).
Đối với số hàng 94.000 khẩu trang do Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tạm giữ, sau khi làm rõ hành vi để xử lý, Công ty TNHH Thiết bị y tế Thời Thanh Bình đã cam kết không vi phạm, khắc phục vi phạm nhãn và đã chuyển 94.000 cái khẩu trang hiệu Medical về chi nhánh để bán ra phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Sau khi triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, hiện tượng thu gom khẩu trang y tế và các sản phẩm sát trùng và tăng giá đã giảm so với những ngày trước. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương vẫn xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc tân dược tại thành phố Ninh Bình. Ảnh: Đức Phương/TTXVN.
Tại thị trường Hà Nội, khá đông người dân đến tìm hỏi mua khẩu trang y tế và các sản phẩm như cồn, thiết bị đo nhiệt độ. Tuy nhiên, không còn tình trạng xếp hàng hoặc người dân đổ dồn đi mua như hai hôm trước.
Thị trường khẩu trang và một số thiết bị y tế trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tình trạng khan hiếm, nhiều cửa hàng báo hết hàng hoặc chỉ còn số lượng ít, chỉ bán 1 - 2 hộp cho mỗi khách.
Tại Quảng Ninh, hầu hết các hiệu thuốc và cửa hàng bán khẩu trang, nước sát khuẩn trên địa bàn tỉnh không còn hàng để bán do không có hàng để nhập bán.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 2/2/2020 Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công Thương tiến hành khảo sát, lên danh sách, liên hệ và làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế trong nước để tìm kiếm nguồn cung cấp khẩu trang. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp sản xuất ngoài tỉnh đều không đáp ứng được yêu cầu về nguồn cung cấp khẩu trang y tế.
Tại hầu hết các tỉnh miền Trung, nhu cầu mặt hàng khẩu trang y tế tăng cao, giá bán một số nơi tăng cao hơn trước đây. Nhiều nơi xảy ra tình trạng không đủ hàng để bán.
Tại Nghệ An, nhu cầu tăng cao nên trên địa bàn tỉnh đã có hiện tượng khan hiếm nguồn cung hàng hóa, một số nhà thuốc, cơ sở kinh doanh thiết bị y tế có kinh doanh khẩu trang y tế đã hết hàng hoặc chỉ còn số lượng ít. Qua kiểm tra lực lượng QLTT chưa phát hiện và xử lý trường hợp nào có hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý mặt hàng khẩu trang y tế để trục lợi bất chính.
Tại Đà Nẵng, trong ngày hai ngày 31/1 và 1/2/2020, tại một số cửa hàng tiện lợi, quầy thuốc tân dược, siêu thị tại trung tâm thành phố, nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn tăng đột biến, một số cơ sở không còn đủ các mặt hàng này để cung cấp cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng các cơ sở tự ý bán với giá cao hơn so với ngày thường. Mặt khác, có các cơ sở tự nguyện phát miễn phí cho người tiêu dùng. Tính đến 16 giờ ngày 2/2/2020, tại địa bàn thành phố Đà Nẵng có gần 40 điểm phát khẩu trang miễn phí.
Ngày 2/2/2020, tình hình thị trường đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế để phòng dịch tại địa bàn thành phố tương đối ổn định do công tác giám sát, kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng tại địa phương bao gồm lực lượng QLTT được thực hiện thường xuyên và phối hợp chặt chẽ theo chỉ đạo của UBND thành phố. Bên cạnh một số cơ sở kinh doanh đã để bảng hết hàng; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối các mặt hàng trang thiết bị y tế để phòng dịch tại các địa bàn đã tiến hành ký cam kết không găm hàng, tăng giá bất hợp lý; mặt khác đã chủ động công bố công khai giá bán mặt hàng khẩu trang y tế đến các cửa hàng trực thuộc để người tiêu dùng được biết.
Tại Khánh Hòa, các quầy thuốc, nhà thuốc mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn đã hết, không còn hàng để bán. Tuy nhiên, trong tuần sau, khi các công ty bắt đầu sản xuất lại sau kỳ nghỉ Tết, nguồn cung các mặt hàng thiết bị y tế sẽ ổn định trở lại đáp ứng nhu cầu của người dân và cam kết bán theo đúng giá công ty đưa ra, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá; không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng để trục lợi.
Hiện giá bán mặt hàng khẩu trang y tế khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/hộp (từ 20 - 50 cái/hộp) tuy có tăng giá so với trước đây nhưng không nhiều, dung dịch sát khuẩn có giá từ 30.000 đồng/chai trở lên tùy nhãn hàng, thể tích.
Tại TP Hồ Chí Minh, chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Hầu hết các cửa hàng vẫn bán khẩu trang và sản phẩm sát trùng, chỉ một số cửa hàng thông báo hết hàng do cơ sở sản xuất chưa kịp cung ứng, một vài ngày tới các cơ sở sản xuất sẽ cung ứng trở lại. Người dân đi mua khẩu trang không còn đông như những ngày trước.
UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị trên địa bàn không để thiếu khẩu trang y tế và sản phẩm sát trùng bán cho dân.
Tại Vĩnh Long, thời điểm hiện tại có một số quầy thuốc và nhà thuốc tây đã bán hết khẩu trang, tuy nhiên các nhà thuốc lớn vẫn còn khẩu trang để bán và phục vụ tặng miễn phí cho người dân có nhu cầu. Chưa phát hiện hiện tượng găm hàng để tăng giá.
Tại Đồng Nai, tính đến 16 giờ ngày 2/2/2020, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn người dân đến các điểm kinh doanh dược phẩm hỏi mua khẩu trang y tế nhưng nguồn gần như đã hết ở các điểm kinh doanh này.
Theo một số cửa hàng cung cấp thông tin cho biết hiện nay có một số nhà cung cấp đang chào hàng các mặt hàng khẩu trang y tế nhưng với số lượng không nhiều, giá đã tăng. Cụ thể, giá khẩu trang loại 3 lớp (hộp 50 chiếc) mua vào 55.000 đồng/hộp, bán ra 65.000 đồng/hộp; loại 4 lớp (hộp 50 chiếc) mua vào 65.000 đồng/hộp, bán ra 75.000 đồng/hộp.
Theo TTXVN/Báo Tin tức