Trước Jordan, đội tuyển Việt Nam đã chơi tấn công và HLV Park Hang-seo có lý khi nói rằng chúng ta có thể tấn công tốt khi cần, bên cạnh lối đá phản công quen thuộc. Nhưng liệu Việt Nam có thể chơi tấn công với Nhật Bản hay không? Chắc chắn là quá mạo hiểm với cách tiếp cận trận đấu như vậy, bởi với dàn cầu thủ vô cùng thiện chiến của “Samurai Xanh”, chúng ta có nguy cơ phải trả giá rất cao nếu để lộ khoảng trống bên sân nhà.
Sẽ là lạc quan “tếu” nếu chúng ta dựa vào việc Nhật Bản mất chân sút Muto vì án treo giò và U23 Việt Nam từng đánh bại U23 Nhật Bản ở ASIAD 2018 để nói rằng đối thủ của chúng ta không quá đáng sợ. Đơn giản, đây không phải phiên bản dự ASIAD của Nhật Bản, mà là một tập thể rất toàn diện từ kỹ chiến thuật tới kinh nghiệm thi đấu cộng với chiều sâu đội ngũ tuyệt vời.
Các cầu thủ Việt Nam luyện tập trên sân Humaid Al Tayer (Dubai, UAE). Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN
Nhật Bản chơi bóng ngắn hay bóng dài, bóng tầm cao hay tầm thấp, bóng sống hay bóng chết, đá cá nhân hay phối hợp đều rất điêu luyện. Trước đối thủ toàn diện như thế, "Những chiến binh Sao vàng" không có cách tiếp cận nào hợp lý hơn là đá phòng ngự phản công và dùng số đông cầu thủ để bọc lót và hạn chế tối đa khoảng trống cho đối thủ khai thác.
Trước Iraq, Iran và ngay ở trận gặp Jordan, chúng ta vẫn mắc lỗi phòng ngự không ít. Vẫn còn những đường chuyền hỏng ngay ở sân nhà bị đối phương cướp bóng. Vẫn còn những lần Văn Hậu, Trọng Hoàng để lộ khoảng trống "chết người" ở hai biên. Vẫn có những tình huống chúng ta để đối thủ có bóng gần khung thành của Văn Lâm trong tình trạng trống trải. Vẫn có những pha phạm lỗi ở các vị trí nguy hiểm.
Những tình huống và sai sót như thế tuyệt đối không được phép lặp lại trước Nhật Bản bởi nếu không, chúng ta khó tránh khỏi phải trả giá vì khả năng chớp thời cơ của họ là quá tốt. Ngay cả những quả phạt góc chúng ta cũng phải cố hạn chế, vì như đã nói, trong bóng bổng Nhật Bản cũng tỏ ra rất nguy hiểm. Uzbekistan và Saudi Arabia đều đã bị họ phá lưới bằng bóng bổng trong khi chống bóng bổng lại không phải điểm mạnh của hậu vệ Việt Nam.
Giữa muôn vàn nguy cơ rình rập như vậy thầy trò HLV Park Hang-seo phải làm gì? Chắc chắn là phòng ngự và phòng ngự. Văn Đức, Quang Hải đã không ít lần lùi về tận trong và sát cấm địa Việt Nam để hỗ trợ phòng ngự trước Jordan và họ cần tiếp tục làm vậy trước Nhật Bản.
Phương án khả dĩ nhất để chúng ta hy vọng gây khó khăn cho các mũi tấn công của “Samurai Xanh” là huy động được số đông cầu thủ tham gia phòng ngự ở mọi khu vực nhạy cảm trong mọi thời điểm của trận đấu với sự tập trung và quyết tâm cao nhất.
Nếu chơi như thế không lẽ tuyển Việt Nam tử thủ suốt trận đấu và nếu tử thủ mà vẫn thủng lưới thì sao? Đương nhiên chúng ta vẫn cần có những pha phản công nhanh, nhưng cần nhấn mạnh là phải nhanh thì mới có thể hy vọng làm nên chuyện, bởi nếu các cầu thủ di chuyển với tốc độ chậm và luân chuyển bóng cũng chậm thì dù chất lượng đường chuyền có tốt cũng rất khó phá lưới Nhật Bản do họ vốn thừa kinh nghiệm và luôn biết cần làm gì trong mọi tình huống để ngăn chặn đối thủ lên bóng.
Nhưng liệu đội tuyển Việt Nam có thể lên bóng ít chạm với tốc độ cao hay không? Đó mới là vấn đề.
Ngoài ra, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các cú đấm từ xa và tận dụng những quả đá phạt. Đó có thể là những điều dễ làm với đội tuyển Việt Nam hơn là cố tìm cách đưa bóng vào cấm địa Nhật Bản và tìm cách tạo ra những cơ hội thật ngon ăn bởi đá với Nhật Bản thì không thể hy vọng vào việc tạo ra được quá nhiều cơ hội ghi bàn và cơ hội ghi bàn mười mươi thì lại càng trở nên ít ỏi.
Trước đối thủ có lẽ là mạnh nhất châu lục vào lúc này, người hâm mộ chờ đợi nhất ở đội tuyển không hẳn là chiến thắng mà quan trọng hơn là cách họ thể hiện mình trước đội đang giữ kỷ lục vô địch Asian Cup. Thế hệ cầu thủ này không thiếu khát vọng và quyết tâm, không thiếu sự tự tin trước mọi đối thủ. Chúng ta cùng chờ đợi màn trình diễn “coi được” của họ trước đội quân thiện chiến được dẫn dắt bởi HLV Hajime Moriyasu.
Theo Báo Tin tức-TTXVN