Xu hướng hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên

Nhằm thực thi Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9-2018 tại làng đình chiến Panmunjom, hai miền Triều Tiên ngày 15-10 đã tổ chức hội đàm cấp cao liên Triều và công bố thông cáo chung về 7 nội dung nhất trí. Đây được coi là những bước đi cụ thể trong nỗ lực làm mới lại quan hệ hợp tác liên Triều.

Nhất trí về 7 nội dung quan trọng

Tham gia cuộc đối thoại cấp cao tại Nhà Hòa bình thuộc phía Hàn Quốc ở làng đình chiến Panmunjom, phái đoàn Hàn Quốc do Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon (Chô Miêng Kiên) dẫn đầu, gồm Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung (Chun He Xâng), Thứ trưởng Giao thông và Đất đai Kim Jeong-ryeol (Kim Chê-âng Ry-ơn) và Thứ trưởng Thể thao Roh Tae-gang (Rô Tê-gang). Phái đoàn Triều Tiên do Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Ri Son-gwon (Ri Xôn Cuôn) dẫn đầu và có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Đường sắt Kim Yun-hyok (Kim I-un Hy-ốc), Thứ trưởng Bảo vệ môi trưởng và Đất đai Pak Ho-yong (Pắc Hô I-âng) và Thứ trưởng Thể thao Won Kil-u (Uôn Kin-u).

Tại cuộc đối thoại, Hàn Quốc và Triều Tiên đã thảo luận việc triển khai Tuyên bố Bình Nhưỡng được ký giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Mun Chê In) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Un) đạt được tại cuộc gặp vào tháng 9 vừa qua, đồng thời đề ra kế hoạch cụ thể cho các cuộc đối thoại cấp chuyên viên sắp tới.

Sau cuộc hội đàm, hai bên đã công bố thông cáo chung về 7 nội dung nhất trí, trong đó có lịch trình hội đàm quân sự cấp tướng và hội đàm Chữ thập Đỏ liên Triều.

Trước tiên, Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tổ chức hội đàm quân sự cấp tướng liên Triều trong thời gian sớm nhất, thảo luận việc chấm dứt quan hệ thù địch quân sự ở các khu vực có đối đầu giữa hai bên, như Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) và vấn đề thành lập, vận hành Ủy ban quân sự chung liên Triều, căn cứ theo nội dung Biên bản nhất trí thực thi Tuyên bố Panmunjom trong lĩnh vực quân sự.

Tiếp đó, hai bên nhất trí bắt đầu điều tra thực địa tuyến đường sắt Gyeongui từ cuối tháng 10 và tuyến đường sắt dọc bờ biển phía Đông từ đầu tháng 11, nhằm kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt và đường bộ dọc bờ biển phía Đông và phía Tây. Hai bên nhất trí tổ chức lễ khởi công kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt và đường bộ xuyên biên giới trong khoảng từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 tới.

Về lĩnh vực hợp tác lâm nghiệp, hai bên nhất trí sẽ tổ chức hội đàm về hợp tác lâm nghiệp liên Triều vào ngày 22-10 tới tại Văn phòng liên lạc liên Triều phía trong khu công nghiệp Kaesong, với các nội dung như: phòng trừ bệnh héo lá do tuyến trùng ở cây thông, hiện đại hóa vườn ươm, bảo hộ và khôi phục hệ sinh thái tự nhiên.

Hai bên cũng sẽ họp bàn về hợp tác y tế, tại Văn phòng liên lạc liên Triều vào cuối tháng 10, để thảo luận phương án ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của các bệnh truyền nhiễm.

Hội đàm thể thao liên Triều sẽ được tổ chức trong tháng 10. Quan chức hai nước sẽ tiến hành thảo luận về việc xúc tiến cùng tham gia các sự kiện thể thao quốc tế, trong đó có Olympic mùa Hè Tokyo 2020, và vấn đề chạy đua giành quyền đồng đăng cai Olympic mùa Hè 2032.

Hội Chữ thập Đỏ liên Triều sẽ họp tại núi Geumgang vào tháng 11, nhằm giải quyết vấn đề các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Tại đây, hai bên sẽ thảo luận về những vấn đề cần thiết để tiến hành sửa chữa, bảo trì Trung tâm đoàn tụ các gia đình bị ly tán tại núi Geumgang.

Về lịch trình buổi biểu diễn tại Seoul của Đoàn nghệ thuật Bình Nhưỡng, vốn dự kiến diễn ra trong tháng này, hai bên nhất trí sẽ xúc tiến thảo luận trong thời gian sớm nhất.

Xu hướng hòa giải

Trong bối cảnh Hàn Quốc và Triều Tiên tin rằng sự hợp tác thiết thực sẽ là lối thoát cho vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, việc các quan chức cấp cao hai miền Triều Tiên tại cuộc đối thoại ngày 15-10 thúc đẩy thực hiện những thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều mới nhất với những kết quả cụ thể về nhiều mặt như kinh tế, quân sự, văn hóa, y tế, thể thao… đang phần nào thu hẹp khoảng cách lòng tin, vốn được cho là nguyên nhân chính khiến những nỗ lực phi hạt nhân hóa đến nay chưa có tiến triển.

Về kinh tế, nếu như việc một phái đoàn hùng hậu gồm các chủ tập đoàn lớn của Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 9 là cơ hội để các lãnh đạo kinh tế Hàn Quốc lên ý tưởng ban đầu cho kế hoạch kinh doanh tại Triều Tiên, mở ra một sự hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên, thì những thỏa thuận về dự án đường sắt và đường bộ xuyên biên giới đạt được tại cuộc đối thoại cấp cao liên Triều lần này là những bước đi cụ thể trong vấn đề hợp tác kinh tế đó.

Kết quả cụ thể về sự hợp tác kinh tế với Triều Tiên đã khẳng định chính sách đúng đắn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đó là chỉ có hợp tác mới đảm bảo một nền hòa bình lâu dài, bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng đề cập với các nước Đông Bắc Á và Mỹ cùng nhau thiết lập một “Cộng đồng Đường sắt Đông Á” để kết nối đường sắt xuyên Đông Bắc Á thông qua các kết nối đường sắt liên Triều, coi đây là nền tảng duy trì hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông, dự án kết nối này sẽ tạo ra một cộng đồng năng lượng và kinh tế Đông Á, từ đó thúc đẩy một cơ chế hòa bình và an ninh tại Đông Bắc Á. Một kế hoạch như vậy nếu được thực thi sẽ có lợi cho cả hai bên. Với Hàn Quốc, kế hoạch này sẽ tạo ra sự kết nối trên bộ với đất liền qua biên giới với Triều Tiên, đồng thời cho phép Hàn Quốc tận dụng lực lượng lao động trẻ tuổi, cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên ở miền Bắc. Với Triều Tiên, một kế hoạch kết nối đường sắt và đường bộ giữa hai miền Triều Tiên sẽ giúp thay đổi mối quan hệ của Bình Nhưỡng với thế giới, qua đó cải cách mọi mặt kinh tế đất nước. Đầu năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định sự ưu tiên trong thời gian tới là phát triển cơ sở hạ tầng, tuyến đường xe lửa tối tân, các trục lộ giao thông, bến cảng, hệ thống phân phối điện, nước…, nâng cấp mạng lưới công - nông - lâm- ngư nghiệp, qua đó phát triển kinh tế. Với sự góp sức, đầu tư và kinh nghiệm của các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc, mục tiêu này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Ngoài các dự án hợp tác kinh tế, việc Hàn Quốc và Triều Tiên thể hiện quyết tâm thực thi các thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 9 tại làng đình chiến Panmunjom, bao gồm nỗ lực chấm dứt quan hệ thù địch quân sự ở các khu vực có đối đầu cũng như việc xúc tiến các dự án hợp tác y tế, văn hóa, thể thao, giải quyết vấn đề các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, cho thấy chỉ một tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh, hai miền Triều Tiên đã cùng nhau vạch ra được những bước đi cụ thể cho từng vấn đề nhằm thúc đẩy hợp tác liên Triều về nhiều mặt. Diễn biến mới này đã một lần nữa khẳng định xu hướng hòa giải, hòa bình đang tiếp tục trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, trở ngại chính hiện nay đối với nỗ lực hợp tác kinh tế liên Triều là các lệnh trừng phạt quốc tế và đơn phương. Trong khi gần đây Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga... nhiều lần kêu gọi nới lỏng trừng phạt Triều Tiên nhằm tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán thì phía Mỹ lại bày tỏ lo ngại rằng Hàn Quốc đang “quá vội vàng” khi xích lại gần Triều Tiên mà chưa có những bước đi cụ thể hướng tới vấn đề phi hạt nhân hóa, đồng thời khẳng định sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên cho tới khi nước này tiến hành phi hạt nhân hóa.

Mặc dù sau cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump (Đô-nan Trăm) mang theo thông điệp tích cực từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song những diễn biến hiện nay cho thấy sứ mệnh trung gian của nhà lãnh đạo Hàn Quốc vẫn chưa trọn vẹn. Giới chức Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi khi cho rằng kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hồi tháng 6-2018, các bên chưa đạt được một tiến bộ nào trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Dẫu vậy, sau nhiều tháng bế tắc, Mỹ và Triều Tiên đang nối lại các cuộc đàm phán về việc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đồng thời nhất trí tiến hành hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 vào thời gian sớm nhất có thể.

Có thể khẳng định rằng, trong quan hệ với Mỹ và Triều Tiên, Hàn Quốc luôn tỏ ra kiên định với chính sách hợp tác và hòa bình phải song hành với vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Và các dự án mà Hàn Quốc và Triều Tiên thúc đẩy tại cuộc đối thoại cấp cao lần này sẽ tạo điều kiện cho hợp tác liên Triều hiệu quả đồng thời khuyến khích Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

Theo TTXVN