• Gốm đỏ Cổ Chiên
  • (NTO) Cách đây hơn một thế kỉ, người dân Vĩnh Long đã biết khai thác mỏ đất sét bên bờ sông Cổ Chiên để hình thành nên những làng nghề làm gạch ngói lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào khoảng những năm 80 của thế kỉ trước, người dân bắt đầu chuyển sang làm gốm dân dụng và gốm mĩ thuật.
  • Từ cầu Mỹ Thuận, nơi con sông Cổ Chiên tách dòng khỏi sông Tiền, kéo dài khoảng 30 cây số đến vàm sông Mang Thít, hơn 1.000 lò gốm mọc lên san sát trông như một thành phố cổ, thu hút hàng chục ngàn lao động. Là làng gốm nên Cổ Chiên có một công trình kiến trúc đặc sắc gần như có một không hai ở Việt Nam, đó là nhà gốm. Toàn bộ ngôi nhà, từ mái, hàng rào, những bức phù điêu, tường, cho đến cả những vật dụng trong nhà như bàn ghế, đi-văng… đều làm hoàn toàn bằng gốm

    Gốm Cổ Chiên không làm theo phương pháp nặn như cách làm gốm thông thường mà đúc theo khuôn làm sẵn. Để đúc được một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ gốm phải trải qua mấy công đoạn cơ bản như sau. Đầu tiên là tạo khuôn bằng thạch cao, sau đó đến công đoạn “in”, tức cắt từng tảng đất sét có độ dày nhất định rồi đem ép vào khuôn. Mỗi phần của sản phẩm được “in” bằng những khuôn riêng, sau đó mới ghép lại thành sản phẩm hoàn chỉnh. Tiếp đến là công đoạn “xu”, tức chỉnh sửa và làm bóng sản phẩm bằng cách dùng một miếng bọt biển nhúng nước rồi vuốt nhẹ.

    Sản phẩm sau khi được chỉnh sửa xong sẽ đem nung 7 ngày 7 đêm. Bốn ngày đầu nung với nhiệt độ từ 100 - 2000C. Đến ngày thứ năm tăng lửa, ngày thứ sáu “siết lửa” để đến ngày cuối cùng đạt được nhiệt độ 9000C. Sau đó, thợ lò sẽ ngưng đốt, trám kín lò bằng đất sét và để cho lò nguội dần cho đến lúc mở lò.

     Một số hình ảnh về gốm đỏ Cổ Chiên:

     Con sông Cổ Chiên, nơi nổi tiếng có làng gốm đỏ.

     Những lò nung gốm mọc san sát bên dòng Cổ Chiên

     Những bàn tay điệu nghệ và chăm chỉ của người thợ làng gốm

     Nung gốm

     Đưa gốm ra lò

    Một số sản phẩm gốm đỏ Cổ Chiên nổi tiếng.