• Đi tàu lửa trên Cao nguyên
  • (NTO) Nhiều du khách bảo rằng “Đến Đà Lạt mà không đi chuyến tàu lửa xem như chưa thực sự khám phá hết xứ sở sương mù”. Quả thật, chỉ có một đoạn đường ngắn nhưng chuyến tàu này đã giúp cho chúng tôi chiêm ngưỡng được nhiều cảnh đẹp hiếm có. Đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát là một phần trong tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt trước đây với chiều dài 84km, có 16km đường sắt răng cưa được khởi công từ năm 1906.
  • Do việc thi công rất khó khăn nên mãi đến năm 1933 mới hoàn thành. Đoạn đường sắt răng cưa lúc bấy giờ, đường ray răng cưa và đầu máy răng cưa được xem là độc đáo nhất thế giới. Đến giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, tuyến đường sắt này ngưng hoạt động do chiến tranh. Từ năm 1991, ngành đường sắt đã khôi phục đoạn đường Đà Lạt - Trại Mát để phục vụ du lịch. Nhà ga Đà Lạt là công trình kiến trúc độc đáo và đẹp nhất Đông Dương. Và năm 2001, công trình này chính thức được công nhận là Di tích kiến trúc cấp Quốc gia.

    Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, là đơn vị đã mang ý tưởng "cổ hóa" toàn bộ những toa tàu chạy trên tuyến xe lửa du lịch Dốc Ga - Trại Mát ở thành phố cao nguyên Đà Lạt. Với kinh phí đầu tư 1,5 tỉ đồng, tháng 12/2010 công ty đã đưa vào sử dụng đoàn tàu cổ 4 toa được phục chế thành đoàn tàu du lịch theo đúng kiểu dáng của đoàn tàu từng chạy trên tuyến Đà Lạt - Tháp Chàm (Ninh Thuận) ở những năm 30 của thế kỷ trước. Những toa tàu có hai dãy ghế 18 chỗ ngồi này chỉ dài 6,5m, chạy bằng cấu trúc hai trục/bốn bánh sắt, thay vì bốn trục/tám bánh như xe lửa Việt Nam hiện tại. Toa tàu được đóng bằng gỗ từ sàn đến thân, cửa sổ lắp kính, có rèm và các chi tiết mỹ thuật trong ngoài đều mang hồn xưa, kể cả dòng chữ “Dalat Plateau Rail Road”. Cuộc hành trình của chuyến xe lửa ấy chỉ dài 7km, nhưng khác xa với các cuộc hành trình đi xe lửa khác mà bạn đã từng đi ở đồng bằng. Chặng đường đi cũng chỉ có một: Từ ga xe lửa đến Trại Mát, sau đó trở về. Trên đoạn đường này chúng tôi được ngắm cảnh Đà Lạt với những khu vườn trồng hoa; ngắm cảnh đồi và dốc xen lẫn nhấp nhô như gợn sóng biển. Ngắm rừng thông và những con dốc phố nhỏ Đạt Lạt thoáng qua nhanh.

    Ga Đà Lạt được xây dựng trong sáu năm từ 1932 đến 1938 với bản thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp - Moncet và Revéron, được đánh giá là nhà ga đẹp nhất vùng Đông Dương. Khi xây dựng Ga Đà Lạt các kiến trúc sư đã đưa cả yếu tố mỹ thuật kiến trúc và ý nghĩa của công trình vào việc xây một công trình có tính kỹ thuật (đây là điều đầu tiên trong ngành đường sắt lúc bất giờ). Kiến trúc Ga Đà Lạt giống các nhà ga ở các tỉnh miền Nam nước Pháp, tức là có mái và hai đầu mái uốn vòm. Nếu nhìn từ hai bên sẽ thấy ba mái nhọn nhô ra ở phía trên đầu rồi thụt vào ở phía chân, nhưng luôn theo kiểu thẳng đứng. Nhìn từ mặt trước, nhà ga có ba chóp nhọn tam giác tượng trưng cho ba đỉnh núi Langbian, còn các mái ngói ở chân tam giác ngoài xiên ra như chân sườn núi. Không gian nội thất của ga được chiếu sáng lung linh bởi các ô cửa kính nhiều màu ở phần chân mái. Đây chính là phòng chờ cho hành khách, một không gian rộng lớn với các góc cạnh và đường nét ngay hàng thẳng lối, cao lớn, uy nghi mà cũng thật giản dị.

    Một số hình ảnh tuyến đường sắt Đà Lạt- Trại Mát ngày nay:

     

    Ga Đà Lạt – kiến trúc độc đáo gần 80 năm nay.

    Không gian nội thất của ga được chiếu sáng lung linh bởi các ô cửa kính
    nhiều màu ở phần chân mái.

     Chiếc đầu máy hơi nước Prairie 131- 428 cùng với hai toa xe chở hàng
    được sản xuất vào ngày 14-01-1930 tại Đức

    -

     Du khách được đi trên đoàn tàu cổ từ Đà Lạt đến Trại Mát

    Khách du lịch thích thú chụp ảnh những khung cảnh đẹp khi đi trên đoạn tàu lửa này

     Ga Trại Mát nằm ở trung tâm thị trấn Trại Mát

     Những cảnh đẹp ven đoạn đường tàu chạy.

     Đoạn đường sắt chạy bằng răng cưa- nổi tiếng nhất Đông Nam Á thời đó