Trên cánh đồng này, cuộc sống của người dân 3 xã Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải đã cùng “sống chết” với hạt muối qua nhiều đời. Tuy nhiên đời của người làm muối luôn cơ cực. Một diêm dân tâm sự rằng “Nghề muối không thể làm giàu được. Mỗi khi được mùa thì no lưng lửng, còn mất mùa thì cái đói là không tránh khỏi. Đồng ý là lấy nước của trời, nhưng đâu phải mà tự nhiên mà có muối được. Muốn muối kết tinh phải làm đúng theo quy trình kỹ thuật, có hệ thống: từ hồ dang cấp 1 đến hồ dang cấp 2 qua hồ chứa vào hồ chịu rồi mới cho ra ruộng kết tinh; nhưng còn phải chờ đến 4 - 5 nắng mới cào được hạt muối chứ đâu có dễ ăn như mọi người vẫn nghĩ”. Thế nhưng giá bán muối luôn bấp bênh hầu như là thấp, trong khi Nhà nước không trợ giá cho nghề diêm dân nên không được lãi cao nên cuộc sống của họ luôn khó khăn . Chỉ có một điều đáng quí là khách du lịch và nhiều nhất là những người đam mê môn chụp ảnh lại thích thú với những cánh đồng muối ở những thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn. Nhờ vậy nghề muối cũng có nhiều niềm vui nhỏ…
Quả thật, khi chúng tôi đến Hòn Khói chụp ảnh muối trong 1 buổi chiều mùa mưa tháng 7, bất ngờ gặp hàng trăm con người cùng cào muối, gành muối dồn đống vội vàng. Hỏi ra mới biết , mưa hoài nhưng trong 3 ngày liền có nắng tốt muối kết tinh nên phải vội vội vàng vàng thu hoạch. Nhờ vậy chúng tôi đã có những bức ảnh đẹp về một vùng muối nổi tiếng mang tên Hòn Khói.
Cánh đồng muối Hòn Khói.
Công đoạn gánh muối đều do các phụ nữ đảm nhiệm.
Đàn ông trong HTX muối Ninh Hòa phụ trách khâu cào muối sau khi kết tinh.
Hình ảnh ngược sáng rất đẹp của những nữ công nhân gánh muối ở Hòn Khói.
Mùa thu hoạch những cánh đồng muối ở Hòn Khói nhộn nhịp, rộn ràng.
Nữ xã viên muối Hòn Khói.
Phút nghỉ ngơi.
Sau khi cào, muối được gánh lên chất đống thành kho chờ xuấn bán.
Trở về nhà sau khi gánh muối.
Hữu Thành – Nguyễn Văn Tâm