Đến làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa, dọc đường làng, ngõ xóm, hàng trăm tấm phên tre phơi bánh tráng được giăng mắc khắp nơi tạo nên một khung cảnh rất đặc trưng. Không chỉ vậy, tiếng “tách, tách…” nghe thật vui tai từ những chiếc bánh tráng đang khô vì nắng cũng là âm thanh đặc trưng của làng nghề. Hiện tại, tính cả các hộ làm bánh tráng thủ công và làm bằng máy, làng nghề có gần 100 hộ còn giữ nghề. Trên vùng đất này, phần lớn thời gian trong năm là thời tiết nắng ráo nên rất thuận tiện cho việc phơi bánh, một công đoạn quan trọng của nghề làm bánh tráng.
Từ khi được UBND tỉnh Long An công nhận là làng nghề truyền thống vào tháng 12/2013, người dân làng nghề càng phấn khởi, hăng say làm việc để tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề làm bánh tráng của cha ông truyền lại, đồng thời góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Bánh tráng của làng nghề Nhơn Hòa được làm theo cách truyền thống được nhiều nơi biết đến vì bí quyết làm bột, cách pha bột trộn gia vị và giữ được hương vị thơm đậm của bột dẻo, dai, không sử dụng hóa chất và giá cả hợp lý. Hiện làng nghề thường sử dụng loại gạo 504 với độ khô vừa phải mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng của bánh tráng. Sản phẩm bánh tráng Nhơn Hòa khá đa dạng với đủ loại tùy theo yêu cầu khách hàng. Làng nghề chính là nguồn cung cấp bánh tráng cho tỉnh Long An, Tp. Hồ Chí Minh và khắp các tỉnh Nam Bộ.
Với kinh nghiệm làm bánh tráng hơn 40 năm, cô Hoàng Kim Yến, chia sẻ về bí quyết làm bánh tráng Nhơn Hòa: “Ngâm gạo khoảng 24 tiếng với nguồn nước giếng của làng, sau đó, tiếp tục gạn nước chua trong 3 đêm nữa thì gạo làm bánh mới trở nên thơm ngon nhất. Đây là bí quyết để bánh vừa dẻo, dai và vẫn giữ được độ ngọt, ngon của bánh tráng”.
Làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa nằm bên dòng Vàm Cỏ Tây
với sản phẩm bánh tráng đậm đà vị quê.
Dọc đường làng, ngõ xóm ở Nhơn Hoà hàng trăm tấm phên tre phơi bánh tráng
được giăng mắc khắp nơi tạo nên một khung cảnh rất đặc trưng.
Làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa vẫn còn gần 100 hộ còn giữ nghề.
Nghề làm bánh tráng Nhơn Hòa đã được truyền qua nhiều thế hệ.
Công đoạn đổ bánh đòi hỏi sự khéo léo của người thợ để bánh tráng đạt độ mỏng và kích cỡ đều như nhau.
Tráng bánh thủ công.
Nghề làm bánh tráng Nhơn Hòa tạo công ăn việc làm cho người dân.
Quá trình đổ bánh tráng diễn ra liên tục, đều tay.
Các lò làm bánh tráng thường bắt đầu từ 2 giờ 30 cho đến 5 giờ sáng thì kết thúc.
Bánh tráng Nhơn Hòa có độ mỏng, dai, ngon.
Bánh tráng Nhơn Hòa trước khi đưa đi phơi.
Công đoạn phơi bánh cần có một người túc trực và tính toán theo độ nắng
để biết phơi bánh tráng bao lâu cho đủ nắng.
Tiếng “tách, tách…” nghe thật vui tai từ những chiếc bánh tráng đang khô vì nắng là âm thanh đặc trưng của làng nghề.
Bánh tráng phơi xong được gom lại trước khi gỡ ra để đem đi tiêu thụ.
Chất lượng bánh tráng Nhơn Hòa hiện được thị trường các tỉnh, thành khắp nơi ưa chuộng.
Thùy Dương