Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Lang Biang, có diện tích 275.439 ha (cách thành phố Đà Lạt khoảng 12 km về phía bắc), được đặt tên theo tên ngọn núi Lang Biang, nơi có câu chuyện tình lãng mạn giữa chàng Lang và nàng Biang - cư dân thiểu số K’Ho bản địa sinh sống lâu đời. Nơi đây, đang lưu giữ những giá trị toàn cầu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, hòa quyện với “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Nhân loại. Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Lang Biang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn, với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, là 1 trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Hiện tại, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có 1.923 loài thực vật, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như: Thông hai lá dẹt (duy nhất trên thế giới chỉ có ở Bidoup - Núi Bà), Pơ mu, Thông đỏ, Thông 5 lá Ðà Lạt. (Riêng, họ Lan có 297 loài - được mệnh danh là Thủ phủ hoa Lan của Việt Nam). Về động vật, có 422 loài, có những loài quý hiếm như: sói lửa, bò tót, gấu ngựa, báo lửa, vượn đen má vàng, chà vá chân đen. Nơi đây, là 1 trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới. Các nhà khoa học đã ghi nhận, khu vực này có 154 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 153 loài có tên trong Sách đỏ thế giới. Cơ quan Bảo vệ Động vật hoang dã Thế giới, đã xác định nơi đây thuộc diện ưu tiên bảo tồn số 1 trong dãy núi Nam Trường Sơn của Việt Nam. Tại đây, còn mang lại sinh kế bền vững cho hơn 8.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, được hưởng lợi từ Chương trình chi trả dịch vụ môi trường Rừng của Chính phủ Việt Nam.
Việc Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Lang Biang được UNESCO công nhận, sẽ giúp Lâm Đồng phát triển bền vững kinh tế - xã hội, góp phần phát triển thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam và là trung tâm nghiên cứu quốc tế về rừng nhiệt đới.
Báo điện tử Ninh Thuận giới thiệu đến bạn đọc một số hình ảnh về khu dự trữ sinh quyển Lang Biang:
Hà Hữu Nết