Vậy mà, khi các lão nông tát ao lên thì ôi thôi: ao cá lóc lẫn đầy cá trê, ao cá trê lẫn đầy cá lóc…Sau khi canh chừng suốt ngày đêm họ mới phát hiện chim điên điển bắt được cá nhưng không ăn, chúng bay sang ao khác thả cá rồi lại đi bắt tiếp.
Thật ra, loài chim điên điển có cách thức dự trử thức ăn độc đáo, chúng thường bắt cá thả vào ao để dự trữ thức ăn cho những tháng mùa khô đói kém. Mỗi chú chim điên điển chọn cho mình một cái ao để thả cá, thế là mỗi lần tát ao, các lão nông bắt được đủ thứ cá!
Chim điên điển có tên khoa học là Anhinga melanogaster thuộc họ Anhingidae, bộ cò Ciconiiformes. Do có cái cổ dài quá khổ nên chúng còn có tên là cổ rắn, mỏ chim cũng khá dài và sắc nhọn sẵn sàng đâm thủng thân thể của bất kỳ chú cá ngờ nghệch nào. Bộ lông chim gần như nâu đen và đặc biệt không thấm nước. Chân chim có mái chèo như chân vịt, giúp chim trở thành một trong những vận động viên bơi lặn cừ khôi nhất trong thế giới loài chim.
Chim điên điển sống ở những vùng đất ngập nước mênh mông nhiều tôm nhiều cá, phân bố khắp Đông Nam Á nhưng số lượng không nhiều. Ở Việt Nam, chỉ còn một số nơi như khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước láng Sen, lung Ngọc Hoàng, sân chim Bạc Liêu, vườn quốc gia Tràm Chim, U Minh là còn khá dễ gặp loài này. Ngày nay, đất ngập nước nhường chỗ dần cho ruộng lúa, ao tôm nên chim cũng ít dần. Để bảo vệ loài chim này, các nhà khoa học đã đưa chim vào danh sách những loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế .
Hữu Thành