• Ninh Thuận qua góc nhìn nhiếp ảnh
  • Trải qua 45 năm ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 -16/4/2020); 28 năm ngày tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2020), toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân Ninh Thuận đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, khẳng định và nâng cao vị thế của tỉnh so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, tạo tiền đề đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
  • Điểm đặc biệt, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều công trình trọng điểm về du lịch, bất động sản, năng lượng tái tạo… mở ra hướng đi mới trên đường phát triển. Trong những ngày tháng 4 lịch sử, phóng viên Báo Ninh Thuận ghi lại một số hình ảnh đánh dấu sự phát triển của quê hương qua 28 năm tái lập tỉnh.

    Quần thể Quảng trường 16 Tháng 4 (bao gồm tượng đài, quảng trường và bảo tàng), là công trình văn hóa của tỉnh, thể hiện sự đoàn kết, tinh thần đấu tranh anh dũng của quân dân các dân tộc trong tỉnh. Ngoài ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ, khu vực Quảng trường 16 Tháng 4 còn là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh.

    Vịnh Vĩnh Hy là một trong những địa điểm thu hút nhiều lượt khách du lịch đến tham quan của tỉnh ta, đến đây du khách sẽ tận hưởng được không khí trong lành, hơi gió mát từ biển đem lại. Đặc biệt khi đến vịnh Vĩnh Hy du khách còn được đi tàu đáy kính ngắm san hô. Đây là yếu tố hấp dẫn để trở thành điểm đến thu hút khách du lịch..

    Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có tổng mức đầu tư 7.245 tỷ đồng, gồm 2 phần chính là công trình đầu mối sông Cái, tại xã Phước Hòa (Bác Ái) có dung tích thiết kế gần 200 triệu m3 nước và công trình đập dâng Tân Mỹ phía hạ lưu tại huyện Ninh Sơn nối hai bờ sông Cái dài 182m và đường ống chính, hệ thống kênh tưới cho vùng hạ lưu du. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

    Năng lượng tái tạo được tỉnh ta xác định là một trong những lĩnh vực đột phá để phát triển nhanh và bền vững. Tính đến đầu năm 2020, đã có 3 dự án điện gió, 18 dự án điện mặt trời đưa vào vận hành, khai thác, với tổng công suất hòa lưới điện quốc gia đạt trên 1.330MW, kịp thời bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện lưới quốc gia, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng điện của người dân.

     

    Đập hạ lưu sông Dinh được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của Trung ương, do Chi cục Thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư. Với tổng kinh phí khoảng 700 tỷ đồng, sau 3 năm thi công đến nay đã hoàn thành hơn 95 % khối lượng công trình. Khi hoàn thành sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn do ảnh hưởng của thủy triều đối với vùng đất hai bên bờ sông Dinh. Đây là sự đột phá cho sự phát triển du lịch dọc hai bên bờ sông Dinh, góp phần tạo cảnh quan bảo vệ môi trường đô thị.