Trải qua 47 năm giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975–16/4/2022) và 30 năm tái lập tỉnh (01/4/1992–01/4/2022), cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh nhà đã đoàn kết, nỗ lực chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước. Phóng viên Báo điện tử Ninh Thuận ghi lại một số hình ảnh cơ sở hạ tầng, công trình mang tên 16 Tháng 4 lịch sử.
Toàn cảnh khu vực quần thể Quảng trường 16 Tháng 6 (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) hội tụ nhiều công trình kiến trúc hiện đại, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ với không gian và cảnh quan thoáng mát trong lành.
Bảo tàng 16 Tháng 4 là công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn nghệ thuật. Đây là nơi trưng bày và tổ chức triển lãm thu hút du khách đến tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục của các dân tộc trong tỉnh.
Tượng đài 16 Tháng 4 được xây dựng trên diện tích 2.730 m2 gồm khối tượng đài và phù điêu cao 24m, rộng 15,5m và khán đài 500 chỗ ngồi. Đây là công trình kiến trúc hiện đại thể hiện tinh thần đoàn kết, đấu tranh anh dũng của quân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời, đây cũng là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh nhà.
Công viên 16 Tháng 4 nằm ở trung tâm Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, có hồ sinh thái và công viên cây xanh thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí, tập thể dục tận hưởng không khí trong lành và nâng cao sức khỏe.
Đường 16 Tháng 4 là đường đôi đầu tiên của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, có chiều dài trên 3,8km, điểm đầu giáp đường Thống Nhất, điểm cuối giáp bãi biển Bình Sơn. Đây là con đường trung tâm kết nối, hội tụ nhiều công trình, kiến trúc, cơ sở hạ tầng đồng bộ, trung tâm thương mại, nhiều nhà cao tầng, khách sạn được đầu tư xây dựng hiện đại.
Ngôi trường Mầm non được vinh dự mang tên 16 Tháng 4. Trong những năm qua, Nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, nhiều trang thiết bị dạy học đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi và học tập của các cháu.
Văn Nỷ