Những năm qua, nhiều cá nhân đã không ngừng nỗ lực trong việc đưa sản vật Ninh Thuận vượt ra ngoài giới hạn địa phương, bước đầu có chỗ đứng ở những vùng đất mới. Hôm nay, đi trên những con đường tại Tp. Hồ Chí Minh người ta dễ dàng bắt gặp những bảng hiệu “đặc sản Phan Rang”, “đặc sản Ninh Thuận”,…
Tìm đường đi cho đặc sản Ninh Thuận
Trên mạng internet chúng tôi vẫn thường thấy tin rao vặt của những người chuyên cung cấp đặc sản Phan Rang- Ninh Thuận như xay rim, chùm ruột rim, rượu nho, mật nho, hành, tỏi, mực khô… Đó thường là của sinh viên vào Tp. Hồ Chí Minh học, tuy nhiên cách kinh doanh còn nhỏ lẻ, chỉ cung cấp một vài mặt hàng. Duy chỉ có trang dacsandatphanrang.com là có bán hầu hết những món được xem là đặc sản của Ninh Thuận. Cửa hàng có tên Đặc sản Vùng đất nắng Phan Rang nằm trên đường Bùi Đình Túy nho nhỏ nhưng có chưng đầy đủ các món “quà quê” của Ninh Thuận, từ hành, tỏi, mực khô, mực một nắng, mắm, rượu, mật nho, nem chả, mứt nho, mứt xay, cả đặc sản tươi sống như gà mái trứng, con dông, ghẹ, ốc hương cũng được nhập từ Ninh Thuận vào. Nói về lý do mở cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản Ninh Thuận, cô chủ trẻ Trảo Thị Hạnh tâm sự: “Thấy đặc sản quê mình rất đặc biệt, khác hẳn với những nơi khác, theo nhiều người nhận xét là rất ngon. Thế nhưng vào đây đã 4 năm mà chưa thấy một nơi nào chuyên bán những món đặc sản của Phan Rang-Ninh Thuận. Vì thế mình quyết định mở một nơi làm điểm đến cho đồng hương và những người muốn tìm đến hương vị Ninh Thuận”. Cửa hàng mới hoạt động, vừa bán tại chỗ vừa giao hàng tận nơi, chị Hạnh còn phải nỗ lực rất nhiều.
Quán bánh canh chả cá Phan Rang của cô Nga trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8
Con đường phát triển của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Chăm
Câu chuyện vực dậy những làng nghề thủ công truyền thống của người Chăm và hành trình đưa sản phẩm Chăm đến với thị trường hàng hóa lớn là cả một chặng đường dài. Một trong những người góp phần gìn giữ và phát triển sản phẩm thủ công người Chăm là bà Thuận Thị Trụ, vợ của nhà thơ Inrasara, Giám đốc công ty Inrahani chuyên sản xuất và kinh doanh thổ cẩm Chăm. Xuất thân từ làng quê Mỹ Nghiệp, sống trong không khí của nghề dệt thổ cẩm cổ truyền từ nhỏ, bà luôn ao ước được đem nghề dệt truyền thống của dân tộc mình đi khắp nơi. Bà tâm niệm rằng: “Văn hóa Chăm và nghề dệt thổ cẩm không thể tách rời”. Từ một xưởng may nhỏ ở quên nhà, năm 2000 bà thành lập Công ty Thổ Cẩm Chăm Inrahani, mở văn phòng tại quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh. Từ những mẫu hoa văn truyền thống, bà phát triển thêm nhiều mẫu mới, đồng thời thiết kế những vật dụng như túi xách, nón, quần áo, ví, ba lô… Nhờ vậy mà công ty ngày càng ăn nên làm ra. Xưởng may của công ty Inrahani còn được mở thêm ở quận 4, quận Tân Phú. Đến nay sản phẩm của Inrahani không chỉ có mặt trong nhiều tiệm bán đồ lưu niệm ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh trên cả nước mà còn được xuất đi nước ngoài.
Bên cạnh thổ cẩm Mỹ Nghiệp là câu chuyện thần kỳ của làng Bàu Trúc hàng xóm. Những sản phẩm gốm làm thủ công hoàn toàn của Bàu Trúc xưa chỉ được đưa đi bán dạo trong tỉnh và tưởng đã tàn lụi vì sức “công phá” của đồ nhựa, đồ kim loại, thì nay đồ gốm Bàu Trúc đã hồi sinh trong một dáng vẻ hoàn toàn cách tân. Nhiều cửa hàng bán đồ phong thủy, trang trí nhà cửa tại Tp. Hồ Chí Minh cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước đang ưa chuộng loại “gốm phong thủy Bàu Trúc”. Người ta trang trí yếu tố phong thủy như nước, tượng, cây cối vào bình gốm cắt một mặt, hoặc dùng những món đồ gốm mộc mạc của làng Chăm Bàu Trúc làm điểm nhấn chính cho những hòn non bộ… Bên cạnh đó, những bình gốm trang trí, mô hình tháp chàm, tượng vũ nữ,… cũng là mặt hàng rất được ưa chuộng. Hướng đi tích cực này đã vực dậy cả một làng nghề làm gốm được đánh giá là cổ nhất Đông Nam Á.
Xa quê hẳn ai cũng nhớ quê. Nhìn thấy những sản vật quê mình ở đất lạ, lòng người xa xứ cũng nguôi đi phần nào nỗi nhớ. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của đặc sản Ninh Thuận ở Tp. Hồ Chí Minh ít nhiều cũng chứng tỏ được rằng sản vật của Ninh Thuận đang dần tìm được chỗ đứng ở một thành phố năng động nhất cả nước này.
Bùi Trần Ca Dao