Là xã ven biển và có diện tích đất nông nghiệp khá rộng (11.083ha) nên Vĩnh Hải vừa có nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản; lại vừa có nghề trồng trọt và chăn nuôi. Cây trồng chính trên địa bàn là nho, tỏi, táo và lúa nước, với tổng diện tích sản xuất hằng năm khoảng 747ha. Dựa vào dải rừng dọc địa hình, người dân địa phương còn phát triển chăn nuôi bò, dê, cừu, với tổng đàn 4.900 con.
Ban Phát triển xã Vĩnh Hải tổ chức tập huấn thâm canh lúa nước cho nhân dân
địa phương.
Tuy nhiên, ở Vĩnh Hải có sự phát triển không đồng đều về KT-XH giữa các thôn, do đó, khi triển khai Dự án HTTN (là 1 trong 3 xã của huyện Ninh hải), Ban Phát triển xã đặc biệt ưu tiên tập trung nguồn lực cho các địa bàn khó khăn nhằm mục tiêu cải thiện đời sống dân sinh và giảm nghèo bền vững. Căn cứ thực tế của địa phương và dựa trên phương pháp xác định chuỗi giá trị ưu tiên, Ban Phát triển xã đã thành lập 13 tổ, nhóm cùng sở thích (NST) ở các thôn, gồm: 1 tổ hợp tác (THT) trồng tỏi thôn Mỹ Hòa; 1 THT ngư nghiệp Đồng Tiến ở thôn Vĩnh Hy; 1 NST làm mứt rong sụn; 1 THT làm đồ thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng ở thôn Cầu Gãy; 1 NST nuôi heo kết hợp nuôi gà thương phẩm; 2 NST nuôi heo đen, 2 NST nuôi bò và 4 NST nuôi dê ở 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang. Ưu tiên cho các hộ nghèo và cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới, vốn hỗ trợ đầu tư cho phát triển kinh tế như tập huấn thâm canh lúa nước, chăn nuôi bò, dê vỗ béo; hỗ trợ giống dê, bò, heo, gà; giống lúa năng suất cao; phân bón cho hộ trồng điều; hỗ trợ vật tư đầu vào cho nhóm làm mứt rong sụn và máy móc cho THT làm đồ mỹ nghệ từ hạt cây rừng…
Thông qua hoạt động của THT và NST, nông dân địa phương được tiếp cận với phương thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh và từng bước phát huy được hiệu quả trong phát triển lợi ích nhóm. Anh Võ Ngọc Chương, Trưởng NST chăn nuôi heo kết hợp với gà thương phẩm thôn Đá Hang, cho hay: Nhóm có 5 hộ thành viên, trong đó 4 hộ là đồng bào dân tộc Raglai thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Đầu năm 2015, mỗi hộ trong NST được Dự án HTTN cấp 3 con heo nái và 50 con gà con nuôi lấy thịt. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ xây 1 chuồng nuôi heo tập trung để nhóm áp dụng kỹ thuật nuôi heo siêu nạc 4 tháng là xuất chuồng. Nhóm hoạt động theo hướng cùng chăm sóc và cùng chia lợi tức. Đến nay, riêng về đàn heo, nhóm đã xuất chuồng được 2 đợt, tổng số tiền thu lại là 81,5 triệu đồng, mỗi hộ thành viên sau khi trừ tiền mua lại heo giống thì lãi từ 3-5 triệu đồng/lứa. Nhóm phấn đấu đến cuối năm hộ cận nghèo sẽ thoát nghèo và hộ nghèo có kinh tế ổn định hơn trước.
Không chỉ đem lại tác động tích cực về sản xuất, Dự án HTTN triển khai trên địa bàn xã Vĩnh Hải còn để lại dấu ấn về mặt văn hóa-xã hội khi thông qua dự án, Ban Phát triển xã đã mở được 2 lớp xóa mù chữ cho đồng bào Raglai 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang, giúp bà con cơ bản biết đọc, biết viết và biết tính toán. Về đầu tư kết cấu hạ tầng chung từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án, xã đã thi công và đưa vào sử dụng 2 tuyến đường nội đồng thôn Đá Hang dài 2,6km với tổng kinh phí 1,67 tỷ đồng; xây điểm thu mua nông sản thôn Mỹ Hòa và điểm thu mua hải sản Vĩnh Hy có tổng kinh phí 884 triệu đồng; xây nhà kho chứa nguyên liệu cho tổ hợp tác làm đồ thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng thôn Cầu Gãy với kinh phí 300 triệu đồng. Nhờ đó đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề dịch vụ gắn với phát triển du lịch ở địa phương, đưa sản phẩm nông nghiệp kết nối với thị trường tiêu thụ ổn định.
Đồng chí Lê Thành Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã, nhìn nhận: Qua 4 năm triển khai thực hiện các chương trình, hợp phần trong Dự án HTTN đã tạo cho địa phương một số nguồn lực nhất định để thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Trong giai đoạn triển khai dự án, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm từ 9,65% năm 2011 xuống còn 2,9% hiện nay; hộ cận nghèo cũng giảm từ 5,85% xuống còn 2,3%. Riêng tại 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang từ 100% hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, giờ chỉ còn 49 hộ nghèo và 39 hộ cận nghèo trong tổng số 160 hộ hiện có. Để tiếp tục phát huy lợi ích của Dự án HTTN đến với người dân, trong thời gian tới, Ban Phát triển xã tăng cường củng cố và duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ, NST; đồng thời đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ các NST tiếp cận thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp và đồ thủ công mỹ nghệ của đồng bào Raglai, giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Diễm My