DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG TỈNH:

Hoạt động hiệu quả của Quỹ Phát triển kinh tế phụ nữ

(NTO) Quỹ Phát triển kinh tế phụ nữ thuộc Hợp phần 2 (Tiểu hợp phần: Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính nông thôn) của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (TNSP). Là một trong những đối tác chuyên môn thực thi TNSP, từ năm 2013, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh được phân công thực hiện Quỹ Phát triển kinh tế PN, hoạt động theo mô hình của một quỹ xã hội thực hiện các mục tiêu của dự án.

Để vận hành Quỹ theo hướng 40% hộ nghèo tham gia nhóm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội PN 26/27 xã dự án thành lập được 54 nhóm tín dụng-tiết kiệm với tổng số 824 PN tham gia, trong đó có 396 PN nghèo và cận nghèo, 360 PN dân tộc thiểu số.

Phụ nữ xã An Hải đầu tư trồng táo nhờ nguồn vốn vay.

Trong năm qua, Quỹ Phát triển kinh tế PN tỉnh đã thẩm định hồ sơ vay vốn và giải ngân 5,798 tỷ đồng (vượt 100% kế hoạch) cho 45/54 nhóm tín dụng-tiết kiệm PN (với 594 hộ được vay, trong đó có 300 hộ nghèo và cận nghèo) tại 20/27 xã để đầu tư phát triển sản xuất, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Riêng từ đầu năm đến nay, Quỹ Phát triển kinh tế PN tỉnh đã giải ngân và tập huấn kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho 114 hộ vay thuộc 8 nhóm của 3 xã Phước Thắng (Bác Ái), Phước Vinh (Ninh Phước) và Nhị Hà (Thuận Nam) với tổng số tiền 1,121 tỷ đồng. Nhờ triển khai áp dụng phương thức hiệu quả trong quay vòng vốn, trong gần 2 năm qua, Quỹ đã thu lãi trên 275 triệu đồng, thu gốc gần 1,397 tỷ đồng, huy động gửi tiết kiệm từ thành viên nhóm 98,5 triệu đồng (đạt 100% kế hoạch thu) và đang tiếp tục quay vòng vốn vay cho các hộ nghèo khác.

Nhìn chung, thực hiện TNSP thông qua Quỹ Phát triển kinh tế PN, đông đảo hội viên PN và nhiều nhóm đối tượng PN đã tích cực hưởng ứng vì dự án đem lại quyền lợi thiết thân cho họ. Đặc biệt tác động tích cực thấy rõ là thành viên vay vốn đã sử dụng vốn đúng mục đích gắn với đầu tư phát triển, nâng cấp chuỗi giá trị của tỉnh và địa phương. Đơn cử tại xã Tân Hải (Ninh Hải), qua thành lập 4 nhóm tín dụng-tiết kiệm PN tại 4 thôn (39 thành viên), Hội PN xã đã giải ngân được 390 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ Tín dụng - tiết kiệm PN, bình quân mỗi hộ vay 10 triệu đồng để đầu tư chủ yếu vào chăn nuôi (heo nái, gà) và mua bán nhỏ. Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, cán bộ chuyên trách Ban Phát triển xã, đến nay thu nhập bình quân của hộ tham gia vào Quỹ Tín dụng - tiết kiệm PN tăng từ 10-30% so với trước khi chưa tham gia. Sau 1 năm, đã có khoảng hơn 30 hộ do PN làm chủ hộ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập cho gia đình và ổn định cuộc sống. Nhờ đó, các hộ có khả năng hoàn trả nợ gốc và lãi vay đúng thời hạn (trong 3 năm).

Đến xã An Hải (Ninh Phước), một xã điển hình về hoạt động của các nhóm tín dụng-tiết kiệm PN, chúng tôi ghi nhận được nhiều mô hình làm ăn hiệu quả của các nhóm PN tại các thôn Long Bình 1, Long Bình 2 và thôn Tuấn Tú. Là thôn đồng bào dân tộc Chăm, Tuấn Tú đã có tiền đề thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động theo hình thức nhóm tín dụng-tiết kiệm PN. Chị Châu Thị Ân, Tổ trưởng tổ vay vốn PN thôn, cho biết: “Tổ chúng tôi có 56 thành viên PN tham gia, trong đó có 60% là hộ nghèo, tuy chưa nhận hỗ trợ từ Quỹ Tín dụng - tiết kiệm PN, nhưng các thành viên đã có ý thức tiết kiệm tự đóng góp mỗi tháng 100 ngàn đồng/người gây quỹ giúp các hộ nghèo nhất trong tổ vay đầu tư sản xuất, kinh doanh”. Theo phương thức cứ 4 tháng là thu hồi vốn cho vay quay vòng, trong 2 năm, tổ đã giúp gần 20 chị thoát nghèo. Đơn cử chị Châu Thị Nắng, qua vay vốn đầu tư nuôi bò, từ 1 con ban đầu, đến nay chị đã có đàn bò 6 con, nhà cửa được sửa sang khang trang hơn. Nhiều PN trong thôn nhờ vay vốn đầu tư trồng đậu phộng đã có thêm thu nhập, dần dần vươn lên thoát nghèo.

Chị Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Theo hướng tiếp cận mới các dịch vụ tài chính nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho PN nghèo và cận nghèo, từ kết quả bước đầu của Quỹ Tiết kiệm vay vốn PN, Hội LHPN tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục để thành lập Quỹ Hỗ trợ PN phát triển. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, Hội tiếp tục thành lập các nhóm tín dụng-tiết kiệm và giải ngân cho các nhóm từ nguồn vốn 9 tỷ đồng được cấp trong năm. Trọng tâm là thực hiện rà soát, khảo sát để thiết kế một chiến lược mới về mặt văn hóa, tuyên truyền, vận động người nghèo dân tộc Raglai tham gia nhóm tín dụng-tiết kiệm Quỹ Phát triển kinh tế PN tại 6 xã của các huyện Bác Ái, Thuận Nam và Thuận Bắc.