Theo đó, Quỹ CSG tài trợ để đầu tư áp dụng công nghệ mới và các phương pháp sản xuất, kinh doanh mới trong nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
Chính thức hoạt động từ tháng 7-2014, Quỹ CSG được dự án TNSP hỗ trợ các Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) vận hành và từ tháng 10-2014 bắt đầu giải ngân lần 1 các đề xuất được tài trợ. Tính trong năm qua, đã có 35 đề xuất với Quỹ CSG được ký hợp đồng tài trợ với tổng vốn 3,38 tỷ đồng, đạt 63% so với tổng kế hoạch vốn năm 2014 (là 5,4 tỷ đồng), trong đó người dân đối ứng trên 1,21 tỷ đồng. Các đề xuất dự án khá đa dạng, tập trung nhiều vào ngành hàng chăn nuôi và trồng trọt. Cụ thể có 5 đề xuất nuôi cừu, 9 nuôi dê, 12 nuôi bò, 2 nuôi gà, 3 trồng táo, 2 trồng hành, 1 trồng chuối và 1 đề xuất về thủ công mỹ nghệ. Điểm đặc biệt là tất cả các đề xuất của các thành viên tổ, nhóm CIG nhận tài trợ từ Quỹ CSG đều có kết nối với khối tư nhân trong tiêu thụ sản phẩm và phương án bảo tồn vốn cho các đợt sản xuất tiếp theo bền vững.
Qua các nhóm CIG trồng măng tây xanh, diện tích trồng ở An Hải (Ninh Phước) được mở rộng.
Riêng trong năm 2015 (tính đến ngày 8-10), có 118 đề xuất đã được xây dựng và nộp về các DASU. Qua hội đồng xét tuyển đã chọn được 47 đề xuất để tài trợ với tổng số vốn dự án là 4,567 tỷ đồng, trong đó có: 14 đề xuất chăn nuôi bò, 3 trồng chuối, 2 trồng táo, 3 trồng bắp, 7 trồng lúa, 5 chăn nuôi cừu, 2 trồng khoai mì, 3 trồng măng tây, 1 chăn nuôi gà, 1 trồng nho, 1 trồng hành, 2 trồng tỏi, 3 chăn nuôi dê. Theo Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU), tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong các đề xuất được tài trợ chiếm khá cao, đơn cử năm 2014 trong số 373 hộ hưởng lợi từ các đề xuất dự án có 141 hộ nghèo (chiếm 38,52%) và 124 hộ cận nghèo (chiếm 33,87%); năm 2015 trong số 509 hộ thụ hưởng thì đã có 132 hộ nghèo (chiếm 25,63 %) và 175 hộ cận nghèo (chiếm 34,38%).
Qua kết quả đánh giá thường niên 2015 về Quỹ CSG, ông Võ Thái Tuấn, Phó Giám đốc PCU, cho biết: Tác động từ việc sử dụng nguồn tài trợ bởi CSG thể hiện rõ khi 100% số hộ đều cho rằng nhóm đã sử dụng hiệu quả khoản tiền dự án, cụ thể có 53,4% đánh giá “rất hiệu quả” và 46,6% đánh giá ở mức “hiệu quả một phần”. Kết quả khảo sát còn cho thấy dấu hiệu tích cực khi có tới 76,7% thành viên cho biết họ đã từng chia sẻ, hướng dẫn về mô hình sản xuất, kinh doanh của nhóm cho các đối tượng khác ngoài nhóm. Nhìn chung, qua 2 năm tài trợ của Quỹ CSG, kết quả hiển hiện là đã có sự hình thành ban đầu về liên kết giữa các nhóm CIG, CG và doanh nghiệp. Đặc biệt qua các đợt kiểm tra giám sát của PCU, cho thấy hầu hết các tổ, nhóm CIG, CG đều sản xuất tốt, thu lợi nhuận và giảm nghèo. Một số nhóm CIG, các thành viên cùng sinh hoạt chung, tự quyết định và chịu trách nhiệm trong việc mua sắm cây, con giống, vật tư cho nhóm, nâng cao tình làng nghĩa xóm. Có CIG tự đóng góp gây quỹ để sinh hoạt nhóm và hỗ trợ cho thành viên gặp khó khăn, tổ chức tái sản xuất, bảo tồn vốn và mở rộng thêm thành viên. Ví dụ nhóm nuôi gà thôn Thuỷ Lợi (Tân Hải, Ninh Hải) do chị Nguyễn Thị Thu Huyền làm nhóm trưởng, trong chu kỳ sản xuất năm 2014, có hộ gặp khó khăn do dịch bệnh, nhóm đã trích tiền quỹ cho hộ vay tái sản xuất hiệu quả.
Từ kinh nghiệm 2 năm qua, để phát huy các kết quả đạt được và khắc phục một số tồn tại, trong phương hướng thời gian đến, PCU yêu cầu DASU các huyện phối hợp với Ban Phát triển các xã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ nhằm tối đa hóa lợi ích của Quỹ CSG cho các nhóm sản xuất và thúc đẩy phát triển nhóm CIG. Đặc biệt là chú trọng đến nội dung phân tích hiệu quả kinh tế đối với góc độ hộ gia đình và từng nhóm CIG sản xuất, để từ đó có cơ sở đánh giá sát thực về hiệu quả của các nhóm CIG và triển khai nhân rộng mô hình, phổ biến kinh nghiệm, kiến thức cho cộng đồng.
Bạch Thương