Gỡ khó trong xây dựng nông thôn mới ở Bác Ái

(NTO) Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Bác Ái đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần làm chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và sự đồng thuận của Nhân dân.

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng NTM của huyện nhìn chung vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, kế hoạch. Bởi lẽ, nhìn trên tổng thể, các tiêu chí đã hoàn thành như: Quy hoạch, bưu điện, y tế, điện, giáo dục, chợ nông thôn, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên... hầu hết đều dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các tiêu chí đòi hỏi phải phát huy nội lực trong dân hiện đang là thách thức đối với các xã, như tiêu chí giao thông nông thôn, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo vì đời sống của người dân còn nhiều khó khăn là rào cản lớn trong quá trình huy động nguồn lực. Đặc biệt, các xã điểm về xây dựng NTM của tỉnh, huyện là Phước Đại, Phước Trung và Phước Tiến khó đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay theo như lộ trình đã đề ra.

Trong giai đoạn 2011-2015, Bác Ái đã đầu tư gần 90 tỷ đồng
kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn phục vụ XDNTM.

Qua ghi nhận, hai trong số những tiêu chí khó đạt nhất của huyện Bác Ái đến lúc này là tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người. Được biết, theo Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định đánh giá và công nhận tiêu chí NTM giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh, thì thu nhập của người dân Bác Ái được áp dụng mức thu nhập vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 16 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất của đồng bào Raglai ở Bác Ái còn lạc hậu, diện tích đất canh tác lại ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất nên để thu nhập cho người dân đạt chuẩn trên là một vấn đề nan giải và việc giảm nghèo theo chuẩn NTM 5% trở xuống cũng là một “bài toán” khó, cần có thời gian cho huyện phấn đấu.

Do đó, bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép, huyện Bác Ái đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân. Từ chính sách khai hoang, cải tạo đất, hỗ trợ định canh, định cư, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã đưa diện tích trồng lúa nước toàn huyện được 1.650 ha và nhiều vùng chuyên trồng bắp lai khoảng 1.600 ha, đậu xanh 1.200 ha, cây mì 500 ha, mía 600 ha, tập trung ở những vùng hưởng lợi các công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, Trà Co, Phước Trung và 17 hệ thống đập dâng, tạo sinh kế cho người dân từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Chăn nuôi gia súc có sừng tận dụng lợi thế đồng cỏ tự nhiên, đưa tổng đàn đạt quy mô 43.500 con, khẳng định là ngành sản xuất chính của huyện. Ngoài ra, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác giảm nghèo… cũng được triển khai đồng bộ. Qua rà soát, trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo ở Bác Ái giảm gần 20%, hiện còn 29,83% và phấn đấu lắm thì thu nhập bình quân toàn huyện cũng chỉ đạt 8,5 triệu đồng/người/năm. Vì vậy đến nay, Bác Ái vẫn chưa có xã nào đạt được tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Đơn cử như tại xã điểm Phước Đại dù đã đạt 10/19 tiêu chí (quy hoạch, thủy lợi, điện, chợ nông thôn, bưu điện, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, giáo dục, y tế) nhưng thu nhập bình quân của người dân trong xã vẫn chưa đến 10 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo còn tới 23,2% dân số.

Đối với tiêu chí nhà ở, đa số là nhà cấp 4, diện tích khoảng 28m²/ nhà xây dựng theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, thiếu diện tích đảm bảo sinh hoạt tối thiểu nên không thể đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng về tiêu chí NTM. Các tiêu chí khác như cơ sở vật chất văn hóa, bảo vệ môi trường... cũng có những khó khăn riêng, khiến lộ trình xây dựng NTM ở huyện khó đạt được mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015 là đến cuối năm 2015 đạt chuẩn NTM đối với 3 xã điểm.

Chia sẻ những khó khăn trên, đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện Bác Ái xác định xây dựng NTM cần đi theo hướng tận dụng những tiềm năng, lợi thế của huyện, khai thác tối đa ngành nông-lâm nghiệp, mở rộng diện tích cây trồng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, qua đó giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, bởi đời sống kinh tế người dân khá lên thì xây dựng NTM mới mong đạt kết quả. Từ những khó khăn này, chủ trương của huyện là tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn lồng ghép, tập trung đầu tư các công trình và dự án trọng điểm phù hợp với nhu cầu và điều kiện của từng khu vực dân cư để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí với kế hoạch, lộ trình triển khai cụ thể. Đẩy mạnh huy động nguồn vốn và vật lực tại chỗ thông qua việc vận động doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp nhằm phấn đấu đạt mục tiêu trước mắt là đưa xã điểm Phước Đại đạt chuẩn NTM vào năm 2016. Trước những khó khăn và thách thức đang đặt ra cho tiến trình xâ dựng NTM ở địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà quyết tâm đoàn kết, nỗ lực tìm cách tháo gỡ. Bên cạnh đó, huyện rất mong tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư kịp thời và có những nghiên cứu, xem xét điều chỉnh một số tiêu chí mang tính đặc thù với những xã miền núi đặc biệt khó khăn như huyện nghèo 30a Bác Ái.