Xây dựng nông thôn mới ở Công Hải: Thành công từ đồng thuận của Nhân dân

(NTO) Công Hải là xã được huyện Thuận Bắc chọn điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong điều kiện khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng nhờ biết huy động sức dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, đến nay, Công Hải đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

Đạt được kết quả như hôm nay là nhờ cấp ủy, chính quyền có cách làm hay, biết khai thác tiềm năng, lợi thế, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, phát huy tinh thần đoàn kết, nội lực của cộng đồng dân cư để thực hiện từng tiêu chí. Công Hải phát động xây dựng NTM vào tháng 5-2012, tiêu chí giao thông được xã chọn “tiên phong” để tạo đà thực hiện thành công các tiêu chí tiếp theo. Trong khi một số nơi gặp khó khăn về huy động nguồn lực của toàn xã hội thực hiện chương trình, thì ở Công Hải lại được sự đồng thuận cao của mọi tầng lớp nhân dân, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để trong một thời gian ngắn đã “cứng hóa” các tuyến đường giao thông nội thôn, nội đồng.

Suối Giếng là thôn khó khăn nhất của xã, có 90% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, được chọn điểm khởi đầu phát động xây dựng đường giao thông để khuyến khích các thôn khác làm theo. Thành công từ việc đề cao vai trò làm chủ của Nhân dân đã tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng cùng chung tay xây dựng NTM. Do nhận thức được Chương trình xây dựng NTM nhằm mang lại lợi ích trực tiếp cho chính người dân, nên tất cả các hộ trong thôn đều tích cực tham gia. Bà con tự nguyện dỡ hàng rào, hiến đất, đóng góp công lao động và tiền để thi công tuyến đường nội thôn dài 1,5km, hoàn thành sớm hơn dự định. Phong trào “Góp sức xây dựng đường làng, ngõ xóm” của nhân dân thôn Suối Giếng nhanh chóng lan tỏa sang 8 thôn còn lại trong xã, với tinh thần trách nhiệm cộng đồng ngày càng cao hơn. Kết quả, Nhân dân đã đóng 1,6 tỷ đồng (gồm công lao động, hiến đất quy ra tiền) cùng với doanh nghiệp hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ làm đường, hoàn thành tiêu chí giao thông sớm hơn kế hoạch. Điều đáng nói là, với cách làm trực tiếp giao cho người dân đảm nhiệm đã giảm được gần một nửa kinh phí so với dự toán ban đầu, song chất lượng công trình vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

 
Nông dân xã Công Hải đưa cơ giới hóa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: Thanh Long

Trao đổi về kinh nghiệm thực hiện chương trình, đồng chí Hà Đình Ân, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Theo dự toán ban đầu của thiết kế mẫu, để xây dựng 12 tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn, có tổng chiều dài 16km, với mức đầu tư 11 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 4 tỷ đồng, số tiền còn lại huy động từ Nhân dân và doanh nghiệp. Nếu áp dụng bằng hình thức này, mức đóng góp của Nhân dân quá cao, khó thực hiện được. Trước thực tế đó, xã đã đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện chủ trương phát huy vai trò làm chủ của người dân trong thực hiện chương trình. Với phương châm này, đã hạn chế tối đa các khoản chi phí không cần thiết, vừa khuyến khích được ý thức tự lực, tự cường của Nhân dân tích cực tự nguyện hiến đất, đóng góp công lao động làm đường. Kết quả, tổng kinh phí làm đường nội thôn, nội đồng giảm từ 11 tỷ đồng xuống còn hơn 6,5 tỷ đồng.

Chính sự vào cuộc của hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân và huy động mọi nguồn lực là yếu tố quyết định cho thành công về xây dựng NTM ở Công Hải. Một trong những việc làm thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền là phân công cán bộ phụ trách địa bàn, trực tiếp về các thôn lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân, thống nhất đề ra các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện các tiêu chí. Đơn cử như việc thực hiện đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa thể hiện tính linh hoạt cao. Trước đây, xã được Nhà nước quan tâm xây dựng Nhà văn hóa xã, các thôn cũng đã có Nhà cộng đồng. Công việc còn lại phải làm là tổ chức các thiết chế văn hóa đi vào hoạt động hiệu quả, không cần đầu tư nhiều kinh phí mà vẫn đạt chuẩn NTM. Tương tự, thực hiện tiêu chí chợ theo quy hoạch có những khó khăn, thuận lợi đan xen, nhưng xã vẫn có cách tháo gỡ vướng mắc. Với diện tích 700m2, chợ Công Hải hiện đã quá tải, để chuyển đến địa điểm mới chưa thể triển khai được do kinh phí hạn hẹp, khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Giải pháp để chợ đạt chuẩn NTM mà xã đề ra là vận động các tiểu thương đóng góp kinh phí nâng cấp, sửa sang khu nhà lồng, xây dựng đường bê-tông xung quanh chợ và hệ thống xử lý vệ sinh môi trường.

Đồng chí Hà Đình Ân cho biết thêm: Xã sớm “về đích” NTM tạo được niềm phấn khởi cho nhân dân địa phương, là công trình lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Tuy đã hoàn thành các tiêu chí, nhưng địa phương cũng không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả, mà phải tiếp tục quan tâm lãnh đạo để giữ vững kết quả đạt được, nhất là tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Công Hải là 4,48%, đạt chuẩn NTM, nhưng nếu không có những giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng hoạt động dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn thì nguy cơ tái nghèo rất dễ xảy ra. Cách tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình thực tế mà xã đang làm là nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa từ 20ha lên 100ha trong các vụ tới; đồng thời, liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam sản xuất lúa giống, tạo thêm thu nhập cho nông dân. Tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình có hiệu quả như trồng bắp lai, mía đường, thuốc lá sợi vàng; chú trọng liên kết “4 nhà” để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững…

Thực tế triển khai Chương trình xây dựng NTM có kết quả tại xã Công Hải cho thấy, ở đâu tạo được sự đồng thuận của người dân thì ở đó sẽ thành công.