Xã Phước Nam có 7 thôn, với 2.552 hộ/ 13.356 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Chăm chiếm hơn 87%. Thu nhập của người dân địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ nhỏ. Với ý thức vươn lên bằng việc khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương; Đảng ủy, chính quyền xã đã tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước và huy động nhiều nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, khuyến khích, động viên người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như ý thức của người dân càng rõ nét từ khi xã Phước Nam được chọn làm điểm xây dựng NTM của tỉnh.
Đường nội thôn xã Phước Nam được bê-tông, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ảnh: Văn Thanh
Đồng chí Não Văn Thủ, Chủ tịch UBND xã Phước Nam cho biết: Triển khai Chương trình xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức được vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chính mình trong việc tham gia xây dựng NTM; đồng thời cũng là cơ sở để phát triển kinh tế và đổi mới quê hương. Cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong xã đều nhận thức được thi đua xây dựng NTM cũng chính là một nội dung quan trong trong phong trào thi đua yêu nước. Do đó, trên cơ sở Nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước, tạo không khí thi đua trong toàn thể cán bộ và nhân dân. Các chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Mặt trận và các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt trong cán bộ, hội viên nhằm nâng cao nhận thức, hăng hái tham gia đăng ký mô hình “Xây dựng NTM”.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong phong trào thi đua xây dựng NTM ở Phước Nam, đó là phát động phong trào phát triển kinh tế. Điển hình là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng được Hội Nông dân xã phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Xã đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung chuyên canh lúa và hoa màu, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa giống theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có quy mô và hiệu quả kinh tế. Các mô hình phát triển kinh tế được nông dân áp dụng ngày càng nhiều, như: mô hình sản xuất lúa giống nguyên chủng; mô hình nuôi bò, dê, cừu vỗ béo và trồng nho, táo kết hợp chăn nuôi dê, cừu; mô hình xen canh, luân canh cây trồng ở những vùng đất không chủ động nguồn nước tưới…
Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn vốn khác, chính quyền địa phương mở rộng, nâng cấp giao thông nông thôn, kiên cố hệ thống thủy lợi, mở rộng lưới điện, cung cấp nước sinh hoạt, phát triển cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội… Người dân đồng thuận hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp cùng Nhà nước thực hiện nhiều công trình phúc lợi phục vụ thiết thực đời sống nhân dân. Nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức và kinh phí để xây dựng đường nội thôn, kênh mương nội đồng, trường học… với tổng kinh phí lên đến 4,3 tỷ đồng.
Nhờ biết huy động các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án nên sau hơn 4 năm triển khai, bộ mặt nông thôn Phước Nam có nhiều khởi sắc. Đến nay, xã đạt được 14/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong 5 tiêu chí NTM còn lại (Hộ nghèo, thu nhập, cơ sở vật chất, trường học và giao thông), địa phương đang tập trung sức triển khai thực hiện. Khó khăn nhất là tiêu chí hộ nghèo và thu nhập, vì lẽ kinh tế xã Phước Nam phát triển chưa mạnh, có sự chênh lệch rõ trong thu nhập hộ gia đình và tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao (hơn 6%). Tuy nhiên, với quyết tâm cao Đảng bộ, chính quyền cũng như nhân dân địa phương luôn đoàn kết, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, tin rằng đến cuối năm 2015, Phước Nam sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM theo đúng lộ trình đề ra.
Diễm My