Theo ông Lương Hữu Luận, Trưởng thôn Phú Thạnh, thành viên tổ giúp việc Ban Phát triển Tam nông xã Mỹ Sơn, hầu hết người dân trên địa bàn thôn chủ yếu sống bằng nghề nông, nhiều hộ nghèo không có đất sản xuất. Khi chương trình HTTN được triển khai về xã Mỹ Sơn, qua định hướng của Ban phát triển xã về việc lựa chọn các chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, Ban quản lý thôn đã tổ chức họp và lấy ý kiến các hộ dân để chọn lựa. Qua tham khảo, hầu hết các hộ dân đều mong muốn chọn nuôi dê để đầu tư phát triển. Đầu năm 2014, nhóm chung sở thích nuôi dê thôn Phú Thạnh được thành lập với 7 thành viên, hầu hết đều là hộ nghèo. Tháng 9-2014, nhóm nuôi dê chính thức nhận con giống về chăm sóc, đến này tổng đàn đã tăng số lượng và phát triển rất tốt.
Đàn dê gia đình anh Trần Đình Gia đang phát triển rất tốt.
Đến thăm chuồng dê gia đình chị Lê Thị Hoa, trưởng nhóm chung sở thích nuôi dê của thôn Phú Thạnh, theo quan sát của chúng tôi, mặc dù đang là mùa nắng hạn nhưng đàn dê phát triển rất tốt. Chị Hoa cho biết, trong số 7 thành viên của nhóm, có 5 hộ được nhận con giống nuôi trực tiếp từ dự án HTTN, 2 hộ còn lại sẽ chờ nhận con giống sau khi các hộ nuôi trước bàn giao lại. Hiện nay, tổng số lượng dê của nhóm đã tăng gần gấp đôi so với lúc nhận dê ban đầu (gần 70 con). Riêng gia đình chị, qua hai đợt nhận con giống (một đợt gia đình đối ứng 20%) với số lượng 11 con, đến nay tổng đàn đã gần 20 con. Chia sẻ về việc nuôi “dê tam nông”, chị Hoa cho biết: Trong quá trình nuôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng rất mừng vì được tạo điều kiện để có con giống chăn nuôi. Về lâu dài đây sẽ là nguồn kinh tế chính của gia đình để nuôi con ăn học vươn lên thoát nghèo sau này.
Chung quan điểm với gia đình chị Hoa, hộ anh Trần Đình Gia, thành viên của nhóm nuôi dê Phú Thạnh cho biết, hiện chưa thể đánh giá đến hiệu quả kinh tế bởi phải gần 2 tháng nữa con giống do đàn dê sinh sản ra mới đủ điều kiện để bàn giao lại cho các hộ sau. Tuy nhiên sau khi bàn giao con giống nếu tiếp tục đầu tư chăm sóc tốt thì hiệu quả lâu dài của đàn dê chắc chắn sẽ có. Đây cũng là hướng sinh kế lâu dài của gia đình anh sau này. Được biết, tháng 9-2014, hộ anh Gia nhận được 6 con dê nái từ dự án HTTN (dự án hỗ trợ con giống 100%), gia đình chỉ đầu tư chuồng trại và công chăm sóc. Để tăng số lượng đàn nhanh, tạo hiệu quả kinh tế, đầu năm 2015 anh vay vốn chính sách đầu tư mua thêm 3 con dê nái để chăn nuôi, hiện đàn dê đã phát triển gần 20 con.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện đã có thêm nhiều hộ nghèo trên địa bàn thôn Phú Thạnh đến đăng ký xin vào nhóm sở thích chăn nuôi dê này. Mặc dù hiệu quả kinh tế của việc nuôi “dê tam nông” ở Phú Thạnh còn phải chờ đánh giá trong thời gian tới, nhưng qua tín hiệu lạc quan từ chính những hộ đang trực tiếp chăn nuôi, có thể thấy đây là một mô hình phù hợp với người nghèo tại địa phương nhằm tạo được nguồn sinh kế lâu dài để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Nguyễn Sơn