Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ trang trại nho cho biết: Tiểu dự án liên kết giữa DN chúng tôi với nông dân có tổng vốn là 1,595 tỷ đồng, trong đó có trên 764 triệu đồng được hỗ trợ từ Quỹ cạnh tranh doanh nghiệp (CBG) và vốn tự đối ứng của DN trên 830 triệu đồng, hiện nay DN đã đầu tư 450 triệu đồng mua sắm máy sấy táo, các trang thiết bị phục vụ chế biến các sản phẩm táo, nho và xây dựng thêm nhà xưởng.
Nho tươi chứng nhận VietGAP được các du khách chọn mua tại Trang trại nho Ba Mọi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nguồn nguyên liệu nho địa phương, Trang trại nho Ba Mọi đã làm ra các sản phẩm như: Rượu vang nho, nước ép nho. Để tiêu thụ, cơ sở đã ký hợp đồng cung cấp nho, táo ăn tươi với Cửa hàng Bác Tom tại Hà Nội và các siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh. Trong các sản phẩm chế biến, ngoài rượu vang nho được sản xuất 4.000-5.000 chai/năm, đáng chú ý là nước ép nho với sản lượng hằng năm khoảng 6.000 chai rất được khách du lịch ưa chuộng. Để làm ra sản phẩm nước ép nho, hàng tháng DN cần 2 tấn nho đỏ (Red Cardinal). Riêng rượu vang được lấy nguyên liệu từ các giống nho rượu (Syrah, Cabernet Sauvignon và Sauvignon Blanc) do trang trại trồng với diện tích 0,5 ha.
Trừ diện tích dành cho nho rượu nói trên, trang trại còn lại diện tích 1 ha chủ yếu trồng các giống ăn tươi như nho đen Black Queen, nho đỏ và nho xanh NH 01-48. Để đủ cung cấp cho thị trường, hằng tháng DN có nhu cầu thu mua thêm trung bình khoảng 15 tấn nho các loại và 20 tấn táo của nông dân. Từ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong tiếp cận và mở rộng thị trường, DN đã được Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU) tổ chức công bố và ký hợp đồng tài trợ DN. Mục đích là để DN liên kết có hiệu quả với các tổ, nhóm tham gia chuỗi giá trị sản phẩm trong vùng dự án, giúp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nho, táo trong thời gian đến. Theo đó, DN tiến hành liên kết với 2 tổ nhóm trồng nho xã An Hải và 3 tổ nhóm trồng táo xã Phước Vinh thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Phước, với 82 hộ nông dân tham gia, bao gồm: 25 hộ trồng nho và 57 hộ trồng táo. Trong quá trình liên kết bao tiêu nông sản, DN sẽ tài trợ mở các lớp tập huấn sản xuất an toàn cho nông dân và hướng dẫn quy trình thực hiện, giúp họ có giấy chứng nhận sản xuất VietGAP.
Theo ông Nguyễn Văn Mọi, hiện toàn bộ diện tích nho của trang trại đều sản xuất theo hướng VietGAP, ngoài ra còn có diện tích 5 ha vệ tinh liên kết các hộ, nhưng so với nhu cầu thị trường không thể nào đáp ứng nổi. Vì vậy để có nho đạt tiêu chuẩn bán cho khách du lịch, thông qua Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, sẽ tạo cơ hội cho DN tiếp cận với nông dân, nắm rõ nguồn hàng và thiết lập mối quan hệ làm ăn bền vững, 2 bên cùng có lợi.
Cũng qua liên kết, DN có điều kiện mở thêm phân xưởng mới chế biến táo, đa dạng sản phẩm cung ứng cho thị trường tiêu thụ. Qua buổi gặp mặt-liên kết do PCU và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức, DN và đại diện các tổ, nhóm trồng nho, táo thỏa thuận ký hợp đồng thống nhất các điều kiện đưa ra về giá cả, chất lượng và sản lượng thu mua nông sản. Theo đó, DN tư nhân Sản xuất-thương mại-dịch vụ Ba Mọi sẽ thu mua nho, táo tươi với giá cao hơn từ 1-5% giá trên thị trường.
Có thể thấy dưới tác động của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, nông dân trồng nho, táo sẽ có đầu ra sản phẩm ổn định và xác lập được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và giữa tổ nhóm với DN. Đối với DN, không chỉ có vai trò quan trọng trong giải quyết đầu ra cho nông sản của nông dân trồng nho, táo, mà còn có trách nhiệm giúp nông dân làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường như phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn, chất lượng. Khi dự án đạt hiệu quả, các hình thức liên kết nói trên sẽ được nhân rộng nhằm góp phần tăng thu nhập cho nông dân trồng nho, táo trong tỉnh và phát triển chuỗi giá trị nho, táo.
Vân Tuyền