Hiệu quả mô hình cừu “cố gắng” tam nông ở Nhị Hà

(NTO) Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) tỉnh, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Mô hình cừu “Cố gắng” ở thôn 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam) được thành lập từ tháng 9- 2014, đến nay đã mang lại hiệu thiết thực. Có thể nói, mô hình nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu sinh sản này đã giúp các thành viên vươn lên giảm nghèo bền vững.

Chị Trần Thị Linh Đoan, cán bộ chuyên trách Tam nông xã Nhị Hà, cho biết: Sau khi khảo sát tình hình thực tế, tháng 9-2014, Ban Phát triển xã quyết định thành lập Nhóm cùng sở thích nuôi cừu “Cố gắng” ở thôn 3, gồm 8 thành viên, là những hộ nghèo và cận nghèo. Nhóm được Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh hỗ trợ 98 triệu đồng từ Quỹ Phát triển nhóm hợp tác (CIG), trong đó, các thành viên được hỗ trợ mua con giống, làm chuồng trại, dịch vụ thú y.

Chị Trần Thị Thùy Dương, thành viên trong nhóm chăm sóc đàn cừu gia đình.

Thôn 3 có 395 hộ, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, vì vậy dự án đã giúp các nông hộ liên kết sinh hoạt nhóm, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Nguyễn Quốc Nam, nhóm trưởng, cho biết: Hưởng lợi từ Dự án HTTN triển khai trên địa bàn xã, tôi đã vận động các hộ cùng thôn mạnh dạn tham gia, cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nuôi cừu. Tận dụng lợi thế điều kiện tự nhiên, nhóm đã chọn trang trại cừu của ông Phạm Minh Quang để mua con giống. Nhóm tuyển chọn cừu đẹp “cấn chửa” mua với giá 3 triệu đồng/con, mỗi hộ mua 3 con giống. Chủ trang trại gắn kết trách nhiệm với nhóm trong việc cho mượn cừu đực phối giống, hỗ trợ thú y, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Ban Phát triển xã cũng vừa mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chế biến thức ăn cung cấp cho đàn cừu trong mùa khô hạn.

Nhờ con giống gốc bản địa, thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương nên đàn cừu giống sinh trưởng tốt. Sau gần 5 tháng chăn nuôi, 24 con cừu giống của nhóm đều sinh sản 1-2 cừu con. Đến nay, tổng đàn của nhóm đã lên được 52 con. Các thành viên chọn cừu cái con để lại làm giống sinh sản và bán cừu đực để đầu tư phát triển đàn cừu. Mô hình chăn nuôi cừu sinh sản giúp cho các hộ nghèo trong nhóm bước đầu có thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Chị Trần Thị Thùy Dương, thành viên trong nhóm, phấn khởi cho hay: Được Dự án HTTN hỗ trợ vốn mua cừu giống, tôi mừng lắm. Từ 3 con cừu ban đầu, nay gia đình đã có 6 con rồi. Tuy chăn nuôi trong điều kiện thời tiết khô hạn nhưng các thành viên trong nhóm đã học hỏi, chia sẻ, sử dụng cây chuối trộn với cám gạo cung cấp nguồn thức ăn cho đàn cừu. Cộng với việc trồng thêm cỏ nên đàn cừu luôn có đủ thức ăn, không bị bệnh, phát triển tốt.

Trưởng nhóm Nguyễn Quốc Nam cho biết thêm: Chúng tôi gắn kết sinh hoạt nhóm để giúp nhau phát triển chăn nuôi. Khoảng vài năm nữa, trong nhóm không còn thành viên nghèo, thu nhập của các hộ sẽ ổn định hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Với hiệu quả của nhóm cừu “Cố gắng”, trong thời tới, Ban Phát triển xã lên kế hoạch nhân rộng mô hình ra các thôn còn lại.