Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nước sản xuất luôn được chủ động nhờ hệ thống kênh mương được điều tiết đồng đều nên sản xuất lúa ở Lương Sơn luôn được chú trọng và nhân rộng diện tích qua từng vụ.
Nông dân thôn Trà Giang thu hoạch lúa vụ đông - xuân bằng máy gặt “Tam nông”
của nhóm lúa Tân Lập 1.
Theo Ban Phát triển xã, hiện nay, địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất huyện Ninh Sơn, với cơ cấu gieo vụ hàng năm luôn đạt từ 1.200-1.300ha, năng suất bình quân các vụ đều đạt trên 6,5 tạ/sào. Riêng vụ đông–xuân năm nay, toàn xã xuống giống trên 1.100ha, đến thời điểm hiện nay, bà con đã thu hoạch được hơn 70% diện tích. Niềm vui với nông dân địa phương năm nay đó là năng suất lúa đạt cao gần 7 tạ/sào, có khu vực đạt trên 8 tạ/sào. Riêng với các thành viên trong nhóm lúa thôn Tân Lập 1, niềm vui lại càng lớn khi máy gặt đập liên hợp được Dự án HTTN hỗ trợ đầu năm 2015 được đưa vào sử dụng và mang lại hiệu quả tích cực.
Theo hướng dẫn của cán bộ Ban Phát triển xã, chúng tôi tìm đến khu vực cánh đồng Cây Me (thôn Trà Giang), nơi máy gặt đập liên hợp “Tam nông” của nhóm lúa Tân Lập 1 đang thu hoạch lúa cho bà con. Nghỉ tay chạy máy, Anh Vũ Ngọc Ánh, Trưởng nhóm cho biết, nhóm lúa của anh thành lập vào giữa năm 2014, gồm 15 thành viên. Sau khi thành lập, nhóm đã xây dựng các quy chế, hoạt động một cách cụ thể đúng với tiêu chí, mục đích của dự án. Tháng 2–2015, nhóm được Dự án HTTN hỗ trợ một máy gặt đập liên hợp Kubota DC70, với động cơ diesel, công suất 69 mã lực, tốc độ gặt đạt 27 sào/giờ, trị giá 600 triệu đồng. Trong đó, Dự án hỗ trợ 80% kinh phí, các thành viên trong nhóm đối ứng 20%.
Được biết, 15 thành viên trong nhóm lúa Tân Lập 1 có tổng diện tích trồng lúa khoảng 40ha, những năm trước, khi đến mùa thu hoạch phải thuê máy ngoài với giá từ 2,8 triệu-3 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, với máy gặt “Tam nông”, chi phí chỉ mất khoảng 900.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/ha. Ngoài ra, việc chủ động máy gặt còn giúp cho việc thu hoạch kịp thời vụ, đảm bảo năng suất lúa và bán lúa đúng thời điểm nên được giá. “Vụ lúa hè–thu năm trước, thời điểm tôi đi thuê máy gặt, giá lúa 5.300 đồng/kg. Nhưng mãi đến gần 2 tuần sau, chủ máy mới đưa đến gặt vì quá nhiều người thuê. Lúc này thì lúa xuống giá còn dưới 5.000 đồng/kg. Năm nay, có máy gặt của nhóm nên bước vào đầu vụ là tranh thủ thu hoạch xong sớm”- anh Lê Hồng Quân, một thành viên của nhóm lúa cho biết.
Ngoài ra, máy gặt “Tam nông” còn hỗ trợ thu hoạch lúa cho người dân các thôn trong xã nếu có nhu cầu thuê với mức chi phí giảm 10 -20% so với giá thuê máy bên ngoài. Nguồn kinh phí thu được từ việc cho thuê máy sẽ được các thành viên trong nhóm xây dựng thành nguồn quỹ để hoạt động phát triển mở rộng nhóm trong các năm tiếp theo. Được biết, trong vụ đông–xuân này, máy gặt “Tam nông” của nhóm cũng đã hỗ trợ cho khoảng 10 hộ dân ở các thôn Trà Giang 1, 2 thu hoạch gần 20ha lúa.
Đồng chí Đỗ Như Lanh, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Phát triển xã cho biết: Hiệu quả bước đầu từ máy gặt liên hợp mang lại cho các thành viên trong nhóm là rất phấn khởi, đúng với mục đích ban đầu của dự án hướng tới. Hiện nay, Ban Phát triển xã đang tìm hướng kết nối thị trường đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của bà con, từ đó hướng tới xây dựng các vùng chuyên canh lúa giống có chất lượng tại địa phương.
Nguyễn Sơn