Theo các chuyên gia tư vấn của dự án, các sản phẩm trên đã mang về giá trị gia tăng không nhỏ cho nông dân sản xuất, được đánh giá cao về chất lượng, cung cấp cho thị trường trong nước và có khả năng tiến tới xuất khẩu.
Xác định công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường có vai trò rất quan trọng trong giải quyết đầu ra, tiêu thụ nông sản của nông dân, TTKC & XTTM tỉnh đã tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về diện tích canh tác, cây trồng, vật nuôi của các tổ, nhóm cùng sở thích, các cơ sở, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh và tổ chức hội thảo kết nối. Kết quả đầu ra đã ký kết được 42 hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 42 tổ, nhóm thuộc các chuỗi giá trị sản phẩm với 9 DN trong tỉnh, trong đó có 5 DN tiêu thụ bò, dê, cừu, heo đen và 4 DN tiêu thụ nho, táo, tỏi.
Đóng gói sản phẩm tỏi tại trang trại Quang Ninh trước khi
đưa đi tiêu thụ tại các DN kết nối trong nước
Đối với việc kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa các DN trong và ngoài tỉnh, Trung tâm đã tổ chức ký kết 16 hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa DN trong tỉnh với các DN ngoài tỉnh, qua đó kết nối với các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng. Phối hợp với Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, đến nay Trung tâm đã hỗ trợ các DN trong tỉnh tiếp cận được các DN, chợ đầu mối, siêu thị ngoài tỉnh có định hướng tiêu thụ sản phẩm của nông dân tỉnh ta. Đặc biệt, thông qua các DN trong tỉnh, sản phẩm nông nghiệp địa phương hiện đã có mặt trong hệ thống siêu thị Co.op Mart ở các tỉnh, thành phố lớn trong nước. Đơn cử trang trại Quang Ninh (Ninh Hải) đã ký hợp đồng cung cấp nho, táo, tỏi với các DN tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và hệ thống chuỗi siêu thị Co.op Mart tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) ký hợp đồng cung cấp các sản phẩm táo sấy và các sản phẩm chế biến từ nho với các DN, siêu thị tại Hà Nội, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có các DN, HTX trong tỉnh ký nhiều hợp đồng cung cấp dê, cừu, nho, táo cho các DN và hệ thống siêu thị Co.op Mart ở các tỉnh, thành phố bạn.
Để nâng cao tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn cả về số lượng và chất lượng, vừa qua, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh phối hợp TTKC & XTTM tỉnh tiến hành hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói cho 2 DN chế biến sản phẩm táo là HTX Dịch vụ Tổng hợp Mỹ Khánh và HTX Sản xuất chế biến kinh doanh nông sản Thái Thuận. Đây là yếu tố quan trọng giúp giới thiệu các sản phẩm đến các hội chợ triển lãm, định hình xây dựng thương hiệu sản phẩm. Anh Võ Thái Tuấn, Phó Giám đốc Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh cho biết: Qua liên kết với các DN, các tổ, nhóm cùng sở thích sẽ có điều kiện xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn, chất lượng. Hiện nay, để nâng cao tính hiệu quả từ hỗ trợ của dự án, Ban Điều phối luôn hướng các tổ, nhóm cùng sở thích của nông dân kết nối với các DN.
Trước thực tế các DN đầu đàn cho chuỗi giá trị trong tỉnh không nhiều, hầu hết quy mô nhỏ, lại chưa liên kết được với nông dân trong khâu thu mua, chế biến, TTKC & XTTM tỉnh xác định cần phải có cách tiếp cận mới, hướng đi riêng. Anh Võ Viết Hiếu, Giám đốc TTKC & XTTM tỉnh chia sẻ: Để có hàng hóa đáp ứng thị trường, yếu tố cần thiết nhất là nông dân phải sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm theo đúng quy trình sạch, trên cơ sở yêu cầu về chất lượng, khối lượng cung ứng của DN và thị trường. Đặc biệt để liên kết nông dân trong tổ, nhóm, giữa tổ, nhóm với DN phải gắn lợi ích của các thành viên trong tổ, trong đó tổ trưởng phải có lợi ích tương xứng cho vai trò đại diện kết nối với DN.
Hội LHPN tỉnh vừa phối hợp với Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông Ninh Thuận tổ chức Hội thảo giới thiệu Quỹ Xã hội Hội LHPN tỉnh. Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự.
Quỹ Xã hội Hội LHPN tỉnh được thành lập trên phương án hợp nhất và chuyển đổi 8 chương trình tiết kiệm tín dụng do Hội quản lý với số vốn trên 11,3 tỷ đồng và nguồn vốn cam kết hỗ trợ thêm từ Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh. Quỹ hoạt động dựa trên nguyên tắc tự trang trải chi phí, với tôn chỉ hỗ trợ phụ nữ nghèo tạo việc làm, tăng thu nhập thông qua hoạt động tiết kiệm tín dụng kết hợp hỗ trợ kỹ thuật, liên kết thị trường, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và xóa đói, giảm nghèo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao vai trò việc thành lập Quỹ Xã hội Hội LHPN tỉnh trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy nhân sự của Quỹ để quản lý, vận hành một cách hiệu quả theo đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ pháp luật; gắn hoạt động kinh doanh với công tác xã hội; đẩy mạnh hoạt động kêu gọi tài trợ, nâng cao nguồn vốn nội lực, hỗ trợ vốn vay, nâng cao năng lực, kỹ năng cho phụ nữ… Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp chị em ổn định cuộc sống gia đình, xây dựng nông thôn mới.
Bạch Thương - Phạm Lâm