Mặc dù nằm đầu nguồn hồ Tân Giang và hồ Sông Biêu nhưng do hệ thống kênh, mương chưa được đầu tư đồng bộ nên sản xuất nông nghiệp ở địa phương gặp nhiều khó khăn, mỗi năm chỉ sản xuất được 1-2 vụ, năng suất thấp. Thêm vào đó, hạ tầng sản xuất còn hạn chế, đường vào khu sản xuất hầu hết là đường đất sỏi dọc theo tuyến kênh thường ngập úng, sình lầy vào mùa mưa, gây khó khăn cho việc đi lại cũng như vận chuyển nông sản của người dân.
Cầu bắc qua kênh Cà Tiêu (thôn Là A) được xây dựng từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ Tam nông.
Triển khai Dự án Hỗ trợ Tam nông, Ban Phát triển xã chú trọng thực hiện hợp phần đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ các chuỗi giá trị thế mạnh của địa phương là lúa, bắp và bò. Từ nguồn vốn của dự án, trong 2 năm (2013-2014), một số công trình thiết yếu phục vụ sản xuất được xã thực hiện như: Xây dựng cầu đúc và nâng cấp đường vận chuyển nội đồng dọc mương Chà Bàn (thôn Trà Nô); xây cầu qua kênh Cà Tiêu (thôn Là A) phục vụ chuỗi lúa, bò; nâng cấp đường nội đồng thôn Rồ Ôn và thôn Giá; bê-tông kênh mương Tân Hạ (thôn Rồ Ôn) và đường nội đồng ruộng Cà Tuôn (thôn Trà Nô), với tổng kinh phí 2,97 tỷ đồng. Ông Tạ Yên Kéo ở thôn Là A cho biết: Trước đây khi chưa có cầu đúc thì bà con phải đặt mấy cây gỗ làm cầu tạm bắc qua kênh Cà Tiêu; muốn đưa lúa, bắp về nhà phải gùi hoặc thồ bằng xe đạp, xe máy. Giờ được Dự án Hỗ trợ Tam nông hỗ trợ kinh phí xây cầu, không chỉ có xe máy cày, máy tuốt lúa vào tận ruộng, tận rẫy mà chăn thả bò, dê, cừu cũng thuận tiện hơn.
Có thể thấy rằng, từ khi một số công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư, sản xuất ở địa phương có chuyển biến tích cực. Xã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Những ruộng lúa 1vụ/năm trước đây, nay tăng lên 2-3 vụ. Mô hình “1 phải, 5 giảm”, chuyển đổi giống bắp địa phương qua bắp lai mang lại hiệu quả nhất định trong sản xuất và được nhân rộng trên địa bàn nhiều thôn. Đặc biệt, giao thông nội đồng được “cứng hóa” tạo điều kiện thuận lợi để bà con đưa cơ giới vào đồng ruộng. Đồng chí Tạ Yên Úc, Chủ tịch UBND xã Phước Hà cho biết: Hạ tầng được đầu tư đã góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác. Tổng diện tích gieo trồng của xã năm qua đạt hơn 1.700ha, đáng kể là năng suất lúa bình quân đã đạt được 4,5 tấn/ha, bà con Raglai phấn khởi hơn khi thu nhập từ sản xuất nông nghiệp được cải thiện. Ngoài ra, Dự án Hỗ trợ Tam nông còn hỗ trợ kinh phí cho các nhóm đồng sở thích làm chuồng trại cho bò, dê, cừu, heo đen nhằm nâng cao chất lượng trên đàn gia súc. Hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, bắp để tăng hiệu quả kinh tế; mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cho bà con nông dân biết cách chăn nuôi đạt hiệu quả; tập huấn cho phụ nữ biết cách tính toán sinh lời trong sản xuất, tập huấn lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho các nhóm đồng sở thích…
Để khuyến khích bà con đẩy mạnh sản xuất, Dự án tiếp tục hỗ trợ giống lúa năng suất cao, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ trong nhóm đồng sở thích cây lúa; hỗ trợ máy cày cho nhóm lúa thôn Giá, Rồ Ôn; hỗ trợ máy cắt cho nhóm lúa Là A, Trà Nô; hỗ trợ giống và phân, thuốc bảo vệ thực vật cho 35 hộ trồng đậu xanh; hỗ trợ giống bò đực lai cho 37 hộ thuộc 2 nhóm đồng sở thích nuôi bò; hỗ trợ giống bò cái sinh sản và chuồng trại cho hộ nghèo, cận nghèo theo hình thức xoay vòng. Qua đó, từng bước giúp nông dân canh tác theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.
Diễm My