Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 các xã huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tổng số tiền trên 13,8 tỷ đồng (bao gồm cả công lao động, hiến đất quy ra tiền) để xây dựng NTM. Kết quả này đã tạo được chuyển biến tích cực, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thêm nhiều khởi sắc. Địa phương làm tốt công tác huy động sức dân như xã Tân Hải (huyện Ninh Hải) khi toàn bộ kinh phí làm đường nội thôn Hòn Thiên đều do người dân tự nguyện đóng góp. Đồng chí Mai Tấn Phát, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hải cho biết: Nhờ có sự hưởng ứng cao của nhân dân, nên mặc dù Tân Hải không phải là xã điểm xây dựng NTM nhưng đến nay đã đạt 15 tiêu chí và sẽ “cán đích” vào cuối năm nay. Ở một số xã khác như Tri Hải, Công Hải, Xuân Hải… người dân cũng có tinh thần trách nhiệm cao, nhưng chủ yếu là đóng góp công lao động.
Nhân dân xã Tân Hải (Ninh Hải) đóng góp tiền của, công sức làm đường giao thông nông thôn.
Hoạt động chung tay xây dựng NTM của người dân trên toàn tỉnh trong thời gian qua là đáng ghi nhận, tuy nhiên cân phân mà nói thì mức độ còn khiêm tốn. Ở một số nơi, người dân còn có nhận thức xây dựng NTM là nhiệm vụ của các cấp ngành, không phải việc của mình, nên rất hờ hững. Hạn chế này có nguyên nhân thuộc về người dân chưa làm tốt vai trò “chủ thể” của mình, nhưng cũng có nhiều nơi cách làm của các cấp chính quyền vô hình trung để người dân đứng ngoài cuộc. Đồng chí Lê Văn Lợi, Phó trưởng Ban Kinh tế & Ngân sách (HĐND) tỉnh, cho biết: Qua giám sát thực hiện chương trình, các công trình do Ban Quản lý Dự án hạ tầng huyện làm chủ đầu tư hầu như không áp dụng cơ chế đặc thù, không có khả năng huy động sự đóng góp từ cộng đồng dân cư. Một số huyện không mời lãnh đạo xã tham gia theo như quy định, dẫn đến sự phối hợp chưa tốt, không phát huy được vai trò của xã hội và cộng đồng dân cư tham gia xây dựng NTM.
Khắc phục hạn chế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố bắt đầu từ năm 2015 giao cho các xã làm chủ đầu tư những công trình thuộc Chương trình Xây dựng NTM theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐ-BTC ngày 13-11-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ cơ sở và cộng đồng dân cư. Trường hợp năng lực cấp xã hạn chế, thì huyện phải có trách nhiệm hỗ trợ thực hiện; đồng thời, đẩy mạnh áp dụng cơ chế đặc thù, dùng thiết kế mẫu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng công trình, tiết kiệm ngân sách nhà nước và phát huy vai trò chủ thể của người dân. Cùng với đó là chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nhận thức mới cho người dân tự nguyện tham gia xây dựng NTM. Đề cập đến vấn đề này, theo đồng chí Lê Văn Lợi: Không cần đi đâu xa, chúng ta nên đến xã Tân Hải học hỏi kinh nghiệm của họ. Cách làm của Tân Hải là phối hợp với người có uy tín ở các thôn thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, mọi việc làm từ nhỏ đến lớn đều để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Người dân cũng được thông tin đầy đủ về chủ trương của Đảng và Nhà nước thực hiện chương trình là nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ. Để làm được điều này, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, cần có sự đóng góp của dân. Khi người dân hưởng ứng, đồng thuận thì kể cả những hộ khó khăn không có khả năng đóng góp bằng tiền họ cũng sẵn sàng hiến đất, góp công lao động.
Anh Tùng