Tác động của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới

(NTO) Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, qua 1 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM)” đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của các đơn vị, địa phương.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung hướng về cơ sở; tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. 

 
Nhân dân xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước) đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Ảnh: Văn Miên

Năm 2014, toàn tỉnh đã có 540 mô hình (trong đó có 389 mô hình tập thể, 151 mô hình cá nhân) đăng ký thực hiện thi đua phong trào “Dân vận khéo” tham gia xây dựng NTM, bao gồm các mô hình tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và cả lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị gắn với xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Đa số các mô hình đăng ký đều gắn với 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Đồng chí Nguyễn Hữu Ánh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Tác động rõ nhất của phong trào thi đua “Dân vận khéo” là đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của CB, ĐV, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân về tham gia đóng góp các nguồn lực để xây dựng NTM. Qua phong trào, đã làm chuyển biến việc đổi mới nội dung, phương thức vận động của Mặt trận, các đoàn thể các cấp trong tỉnh theo hướng sát cơ sở, sát dân, cụ thể, thiết thực hơn.

Trên lĩnh vực kinh tế, từ đăng ký của 136 tập thể, 84 cá nhân, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình vận động nhân dân phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, hợp tác giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát ngèo, làm giàu chính đáng. Đơn cử mô hình trang trại VAC và trồng rừng của ông Đoàn Ngọc Nghinh, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Lương Sơn (Ninh Sơn) thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; mô hình vay vốn chăn nuôi bò có bảo hành của Hội Phụ nữ tỉnh cho 11 hội viên ở 2 xã Công Hải, Lợi Hải (Thuận Bắc) vay số tiền 110 triệu đồng mua bò nuôi. Ngoài ra còn có các mô hình hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh, mương nội đồng. Điển hình có ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Hải (Ninh Hải) nhận bê- tông đoạn đường 400 m tại thôn Thành Sơn, tiết kiệm số tiền gần 32,4 triệu đồng phần đóng góp người dân. Xã đoàn Phước Vinh vận động quyên góp tiền và đóng góp ngày công xây dựng 2 phòng học mẫu giáo, bê-tông sân trường trị giá 400 triệu đồng, thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” trị giá 50 triệu đồng.

 
Ông Đoàn Ngọc Nghinh, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Lương Sơn (Ninh Sơn)
nêu gương trong hoạt động phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Chí Cang

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa-xã hội với 153 tập thể, 47 cá nhân đăng ký thực hiện, bước đầu đạt nhiều kết quả như các mô hình: Khám bệnh và cấp thuốc miễn phí trị giá trên 500 triệu đồng của Phòng chẩn trị Tuệ Tĩnh Đường chùa Đông Nhạc (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); vận động đóng góp “Quỹ Vì Trường Sa thân yêu” trên 2,2 tỷ đồng của Hội Phụ nữ tỉnh; vận động đoàn viên, hội viên đóng góp xây dựng 43 ngôi nhà nhân ái (trị giá gần 1,7 tỷ đồng) của Tỉnh đoàn. Về cá nhân, nổi bật có Đại úy Hồ Thị Bé Hoa, Đội trưởng Đội Tuyên truyền (Công an tỉnh) vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tài trợ 138 triệu đồng tặng quà cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo, học sinh vượt khó, học giỏi. Nhiều mô hình, điển hình trong vận động nhân dân tham gia thực hành tiết kiệm; đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, các tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước; thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được đẩy mạnh với nhiều hoạt động thiết thực.

Có thể nói, qua phong trào “Dân vận khéo” xây dựng NTM, đã tạo ra tác động tích cực đến việc thay đổi bộ mặt nông thôn tỉnh nhà, đặc biệt nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà ở, trường học, trạm y tế...được đầu tư xây mới, khang trang hơn trước. Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, từ thực tế phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cùng với công tác tuyên truyền vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể thực hiện chương trình xây dựng NTM, trọng tâm nhiệm vụ năm nay và những năm tới của phong trào “Dân vận khéo” tham gia xây dựng NTM là phải hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của địa phương, cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.