DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Hoạt động mô hình, dự án của Chi cục Nuôi trồng thủy sản

(NTO) Với địa hình khá đa dạng, ngoài các vùng trũng, hồ chứa nước ngọt tự nhiên, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi (các hồ: Sông Sắt, Sông Trâu, Tân Giang, Sông Biêu,…) nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt.

Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún theo hình thức hộ gia đình, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Trước thực tế trên, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU) chủ trương hỗ trợ người dân vùng dự án phát triển nuôi cá nước ngọt qua thí điểm mô hình chuyển đổi đối tượng nuôi mới.

Mô hình nuôi lươn thâm canh không bùn của anh Trịnh Ngọc Thạch
(thôn Long Bình 1, An Hải, Ninh Phước).

Được sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, nhằm giúp bà con trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ nông thôn tiếp cận với các đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, hướng đến thoát nghèo bền vững, trong năm 2014, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình nuôi lươn thâm canh không bùn tại 2 huyện Ninh Sơn và Ninh Phước. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, Chi cục NTTS tỉnh đã phối hợp với UBND các xã thực hiện mô hình, các Ban Hỗ trợ Kinh doanh Nông nghiệp huyện (DASU), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị chủ trì Hợp phần 2-Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh) và PCU khảo sát điều kiện ao đìa của một số hộ thuộc diện mục tiêu dự án, hộ thuộc vùng dự án có nhu cầu được thực hiện mô hình trình diễn. Qua đó, Chi cục NTTS tỉnh đã chọn 4 hộ nông dân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để triển khai mô hình, cụ thể gồm có các ông, bà: Lê Quốc Dũng, Lê Minh Tùng, là 2 hộ cận nghèo ở thôn Phú Thuận (Mỹ Sơn, Ninh Sơn); Báo Thị Diễm (hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Tuấn Tú) và Trịnh Ngọc Thạch (hộ cận nghèo ở thôn Long Bình 1) thuộc xã An Hải (Ninh Phước).

Tham gia mô hình, mỗi hộ được PCU hỗ trợ 100% nguồn vốn cho tất cả việc đầu tư từ con giống, kinh phí xây dựng hồ nuôi, dụng cụ hỗ trợ lọc nước hồ nuôi (máy bơm nước), máy cán thức ăn, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc… Là đơn vị đồng thực thi dự án, Chi cục NTTS tỉnh có trách nhiệm cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn và giám sát quá trình thực hiện mô hình theo đúng kế hoạch; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi và các hộ dân trong vùng. Cụ thể sau khi thả lươn giống nuôi, Chi cục đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lươn thâm canh không bùn cho 60 lượt người tại các huyện Ninh Sơn và Ninh Phước, trong đó đông đảo bà con tham gia đã tiếp thu kiến thức mới và đánh giá cao chất lượng lớp tập huấn. Đối với hộ dân trực tiếp thực hiện mô hình, ngoài thụ hưởng toàn bộ sản phẩm thu hoạch lươn nuôi, còn được quyền sử dụng số liệu, quy trình của Chi cục NTTS tỉnh cho mục đích phổ biến đến người khác để phát triển đối tượng nuôi mới.

Theo anh Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục NTTS tỉnh), khác với nuôi lươn theo kiểu truyền thống, lươn trong mô hình của dự án nuôi trên nền bạt và được thay lọc nước liên tục nên có thể coi đây là một trong những mô hình nuôi mới rất có triển vọng trên địa bàn tỉnh ta nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thêm thu nhập khi tiếp cận triển khai. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy tất cả ao nuôi, việc ứng dụng quy trình kỹ thuật của 4 hộ nuôi đều được duy trì và mô hình được nghiệm thu theo đúng kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt 2 hộ nuôi Báo Thị Diễm và Trịnh Ngọc Thạch tại xã An Hải đạt kết quả tốt, có lươn xuất bán thu lãi vượt hơn dự kiến. Sau khi nghiệm thu mô hình, Chi cục NTTS tỉnh tiến hành tổng kết, đánh giá và tổ chức 2 hội nghị nhân rộng cho 80 lượt người là các hộ nuôi cá nước ngọt trên địa bàn các huyện, trong đó ưu tiên nhân rộng cho các hộ thuộc diện mục tiêu của dự án. Qua phổ biến quy trình kỹ thuật nuôi lươn thâm canh không bùn, các hộ nghèo dự hội nghị đã được hướng dẫn tận tình các kỹ thuật ương dưỡng, nuôi thương phẩm, chế biến thức ăn đồng thời liên kết tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Nhìn chung với phương thức nuôi hoàn toàn mới, lại có giá trị kinh tế cao, lươn là đối tượng nuôi mới được các hộ dân nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở tỉnh quan tâm tìm hiểu và phát triển nuôi trong thời gian tới. Hiện nay, qua hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, DASU các huyện vùng dự án đang khuyến khích các hộ gia đình tận dụng diện tích đất nhỏ hẹp, đầu tư nuôi lươn thâm canh không bùn theo kỹ thuật mới, từng bước có thêm thu nhập hướng đến thoát nghèo bền vững.