Chương trình “con đường tri thức” được Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tổ chức thực hiện chu đáo, từ việc khảo sát trang trại đến tham quan mô hình liên kết nhóm, phân tích hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, lập kế hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ. Chương trình được các chuyên gia Procasur tư vấn và chủ các trang trại nho Ba Mọi, hành tỏi Quang Ninh “rút ruột” chia sẻ kinh nghiệm canh tác theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; cơ chế thu mua nông sản của bà con nông dân gắn kết với doanh nghiệp.
Các đại biểu lập kế hoạch sản xuất- kinh doanh theo mô hình liên kết nhóm.
Các đại biểu tham gia chương trình được “tận mục sở thị” mô hình nông dân liên kết trồng hành tỏi, nho, táo, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ tại trang trại Quang Ninh ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải. Anh Nguyễn Tấn, 36 tuổi, chủ trang trại cho biết, năm 2009 buổi đầu khởi nghiệp thương hiệu hành tỏi Quang Ninh, doanh thu chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng. Anh quyết tâm đầu tư canh tác theo hướng VietGAP và kiên trì thuyết phục các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đưa sản phẩm hành tỏi Quang Ninh vào hệ thống siêu thị. Đồng thời liên kết với 10 nông hộ địa phương canh tác trên 10 ha đất chuyên trồng tỏi, hành tím, nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Tấn hỗ trợ không hoàn lại cho mỗi nông hộ tham gia nhóm liên kết 15- 20 triệu đồng xây dựng cơ sở sản xuất và lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước. Trang trại Quang Ninh hợp đồng bao tiêu nông sản hàng hóa của nông dân trong nhóm liên kết ngang bằng hoặc cao hơn giá thị trường địa phương tạo tâm lý phấn khởi cho bà con đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiệu quả sản xuất- kinh doanh theo mô hình liên kết nhóm đã góp phần đưa doanh thu của Trang trại Quang Ninh đạt gần 2 tỉ đồng trong năm 2014, tăng gấp 40 lần so với năm 2009. Trang trại đang tập trung nhân lực đóng gói 6 tấn tỏi, hành tím đạt tiêu chuẩn VietGAP phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Mùi- 2015.
Sau khi tham quan Trang trại hành tỏi Quang Ninh, Ban tổ chức chương trình “con đường tri thức” đã dành nhiều thời gian cho các đại biểu chia nhóm trao đổi phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức và biện pháp giúp Quang Ninh sản xuất- kinh doanh bền vững. Đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm cần thiết cho hoạt động liên kết nhóm sản xuất gắn kết với doanh nghiệp nâng cao chuỗi giá trị nông sản hàng hóa. Chuyên gia Procasur và lãnh đạo Ban Điều phối dự án Hỗ trợ Tam nông cũng đã hướng dẫn các đại biểu phương pháp lập kế hoạch nhóm nông dân liên kết trồng nho, táo, bắp lai nhân giống, chăn nuôi dê cừu đạt hiệu quả từ nguồn vốn tài trợ tiểu dự án cạnh tranh.
Chương trình “con đường tri thức” lần đầu tiên được thực hiện tại tỉnh ta được các doanh nghiệp, nông dân vùng dự án tích cực tham gia. Thông qua hoạt động nghiên cứu điển hình tiêu biểu, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, lập kế hoạch tiểu dự án cạnh tranh giúp các địa phương nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, kết nối thị trường, kinh doanh bền vững. “Chương trình “con đường tri thức” nhằm mục tiêu nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị nông sản hàng hóa của bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới”, anh Võ Thái Tuấn, Phó Giám đốc Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông cho biết.
Sơn Ngọc