Ông Bá Văn Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phước Nam cho biết: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thực sự trở thành một trong những phong trào thiết thực, được Mặt trận và các đoàn thể xã tập trung đẩy mạnh. Bởi kết quả của việc thực hiện phong trào đã tạo nên những “lớp” gia đình văn hóa tiêu biểu; phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo trong cộng đồng dân cư…
Đường nội thôn xã Phước Nam (Thuận Nam) được bê-tông xi măng đáp ứng tốt
nhu cầu đi lại của nhân dân. Ảnh: Văn Thanh
Là gia đình tiêu biểu trong việc thực hiện phong trào tại địa phương, những năm qua, gia đình anh Phú Minh Tâm (thôn Phước Lập) luôn gương mẫu chấp hành, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Gia đình anh hăng hái lao động sản xuất, phát triển chăn nuôi: 700 con dê, 70 con bò, buôn bán hàng tạp hóa, tạo công ăn việc làm cho 5 hộ gia đình, với mức thu nhập từ 40-50 triệu đồng/gia đình/năm. Từ chăn nuôi, buôn bán nhỏ, mỗi năm gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng, đảm bảo cuộc sống, xây dựng nhà cửa khang trang và nuôi 3 con học đại học.
Gia đình ông Thiên Sinh Dưỡng, ở thôn Văn Lâm 2 đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, hiếu học tiêu biểu tại địa phương. Là nông dân, ông Dưỡng cùng vợ lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là việc động viên, đôn đốc con cái học hành tiến bộ. Với suy nghĩ “Hay học thì sang, hay làm thì có”, vợ chồng ông nỗ lực lao động, làm thuê, chắt chiu vốn liếng nuôi 6 người con học đại học, ra trường có việc làm ổn định và được xóm giềng hết mực yêu mến.
Ngoài ra, trong năm 2014, xã Phước Nam còn có 1.631/1.900 hộ đăng ký đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm trên 85,8%; 5/7 thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa. Các gia đình trong xã thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ… Đặc biệt, nhờ việc phát triển, nhân rộng phong trào, đến nay 100% trẻ em trong xã được đến trường; 99% số hộ sử dụng lưới điện quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, các gia đình hòa thuận, thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân…
Tuy vậy, “điểm trừ” lớn nhất mà các gia đình đang “vướng” phải khi triển khai phong trào là vấn đề vệ sinh môi trường. Ông Bá Văn Cảnh cho biết thêm: Nhằm hạn chế khuyết điểm này, thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, địa phương chủ động phối hợp với Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại & Sản xuất Nam Thành tổ chức tốt mô hình thu gom rác thải; vận động bà con trồng và chăm sóc cây xanh… tạo môi trường cảnh quan xanh-sạch-đẹp, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Hà Thanh