BAN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Hỗ trợ phát triển giống mía mới cho vùng dự án Hòa Sơn

(NTO) Qua 2 năm triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, đến nay Ban phát triển xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) đã triển khai hoàn thành cơ bản các tiểu hợp phần của dự án trên địa bàn xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hòa Sơn là một trong 6 xã của huyện Ninh Sơn nằm trong vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông. Toàn xã có hơn 1.100 hộ, với 3.950 nhân khẩu, sinh sống trên địa bàn 6 thôn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, với chủ trương phát huy lợi thế sẵn có, tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, xã Hòa Sơn đã tập trung nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, lựa chọn các mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Giống mía K phát triển tốt tại vùng dự án xã Hòa Sơn.

Theo thống kê của Ban phát triển xã, trong sản xuất nông nghiệp, Hòa Sơn tập trung chủ yếu vào 2 loại cây trồng là khoai mì và mía. Trong đó, chủ lực là khoai mì với diện tích gần 900ha, riêng với cây mía đang trong quá trình chuyển đổi mới phát triển trên 165 ha. Trong năm 2013, khi bước vào triển khai thực hiện dự án, trên cơ sở phân tích các chuỗi giá trị sản xuất mà Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đề ra, địa phương đã chọn phát triển chuỗi giá trị bò và thành lập được 3 nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, dựa trên thế mạnh của địa phương Ban phát triển xã đã xác lập thêm 2 chuỗi giá trị là mía và mì, đã thành lập thêm được 6 nhóm sở thích để phát triển 2 chuỗi giá trị trên.

Được biết, hơn 165 ha mía mà người dân xã Hòa Sơn đang trồng đều là giống mía cũ MI, năng suất bình quân mỗi vụ đạt khoảng 50 – 60 tấn/ha. Nhằm đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị mía tại địa phương, tháng 5-2014, Ban phát triển xã đã tiếp nhận và hỗ trợ 196 tấn mía giống mới (giống mía K) cho các thành viên 3 nhóm sở thích trồng mía của xã để canh tác. Anh Nguyễn Hoàng Long, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cho biết: Qua tìm hiểu tại các xã lân cận, đặc biệt là vùng mía trọng điểm ở xã Quảng Sơn, hiện người dân đang chuyển đổi sang trồng giống mía K, năng suất bình quân mỗi vụ từ 80 – 90 tấn/ha, nếu đầu tư tốt và trong vùng chủ động nước có thể trên 100 tấn/ha. Vì vậy, việc hỗ trợ giống mía mới để người dân phát triển được xem là bước chuyển đổi mới về phát triển cây mía trên địa bàn xã. Được biết, thông qua việc hỗ trợ triển khai thực hiện trồng thí điểm giống mía mới, các thành viên trong nhóm sở thích chỉ phải chi 20% tiền đối ứng giống, còn lại 80% kinh phí được Dự án Hỗ trợ Tam nông chi trả. Ngoài ra, Công ty CP Mía đường Phan Rang còn hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ha về chi phí cày đất cho các thành viên tham gia. Qua gần 5 tháng triển khai, theo đánh giá của Ban phát triển xã, giống mía K phát triển rất tốt so với giống mía cũ MI. Theo kế hoạch, vào cuối quý I năm 2015 các diện tích này sẽ cho thu hoạch. Nếu thành công, thời gian tới địa phương cũng sẽ tập trung vận động người dân chuyển đổi sang đầu tư trồng giống mía mới này để nâng cao năng suất cũng như thu nhập.

Song song với việc hỗ trợ phát triển giống mía mới, đến nay vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông trên địa bàn xã Hòa Sơn cũng đã hoàn thành các tiểu hợp phần trọng tâm như: thành lập tổ tiết kiệm phụ nữ, điểm dịch vụ thú ý, đầu tư xây dựng 2 tuyến đường nội đồng thôn Tân Hiệp và Tân Lập đi các khu sản xuất…Qua đó góp phần phục vụ người dân trong việc phát triển các chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, đúng với mục tiêu của dự án đề ra.