DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Hỗ trợ nông dân xã Nhơn Hải trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap

(NTO) Là vùng đồng bằng ven biển thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) đã tập trung khai thác và triển khai có hiệu quả những chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp từ Dự án. Trong đó phải kể đến mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

Từ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cây nho được coi là thế mạnh “mới” và là một trong những chuỗi giá trị được Ban Phát triển xã Nhơn Hải lựa chọn xác lập. Ông Trần Đồng Quý, Thường trực Ban Phát triển xã cho biết: Là vùng không chủ động được nguồn nước nên trong tổng số khoảng 1.200 ha đất nông nghiệp thì diện tích đất có thể canh tác được trên toàn xã độ 400ha.

Vườn nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của ông Trương Khắc Thiện
(thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải)

Chính vì vậy, việc tập trung cho phát triển sản xuất của xã không nằm ở quy mô diện tích mà chủ yếu là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân. Dựa vào các cây trồng chủ lực, Ban Phát triển xã đã xác lập các chuỗi giá trị và nhóm đồng sở thích; riêng với cây nho, xã đã thành lập 3 nhóm đồng sở thích ở 3 thôn có diện tích trồng nho khá nhiều là Mỹ Tường 1, Mỹ Tường 2 và Khánh Tân.

Mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap được Ban Phát triển xã Nhơn Hải triển khai từ đầu năm 2014 trên diện tích 1,4ha cho 4 hộ nằm trong nhóm đồng sở thích. Tham gia mô hình, các hộ nông dân thành viên được chuyển giao kỹ thuật trồng nho an toàn, hỗ trợ vật tư ban đầu và quy trình kiểm định sản phẩm trước khi thu hoạch. Để người dân trong xã tiếp cận được cách trồng nho theo hướng VietGap, Ban Phát triển xã còn mời thêm các hộ trồng nho ở địa phương tham dự các buổi tập huấn kỹ thuật để bà con tiếp cận, học hỏi. Ông Trương Khắc Thiện, một hộ thành viên nhóm đồng sở thích nho ở thôn Mỹ Tường 1 cho biết: Qua tham gia tập huấn quy trình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap, đã áp dụng trên cả 4 sào nho của gia đình mặc dù được Dự án Hỗ trợ Tam nông đầu tư vật tư ban đầu chỉ là 2 sào. Vì trong quá trình tập huấn, cách trồng nho theo hướng VietGap tiết kiệm được chi phí đầu tư và công lao động, nhất là khâu phân, thuốc. Đến kỳ thu hoạch, chủ vườn nho phải tuân thủ lịch ngưng phun thuốc từ15-20 ngày, dài hơn so với thông thường chỉ 1 tuần đến 10 ngày. Như vậy, trái nho khi đem tiêu thụ sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.

Qua 1 vụ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, vườn nho của các hộ thuộc nhóm đồng sở thích ở xã Nhơn Hải đều đạt chứng nhận an toàn với năng suất tăng đến 25% và lợi nhuận tăng trên 30%. Tuy nhiên, theo các hộ tham gia mô hình cho biết, việc trồng nho theo hướng VietGap mang lại hiệu quả trên các mặt như tiết kiệm chi phí cho nông dân, hạn chế việc sử dụng phân, thuốc hóa học bằng cách sử dụng phân vi sinh thân thiện với môi trường và sản lượng nho tăng hơn; nhưng do nông dân vẫn bán cho thương lái nên giá thành cũng chỉ ngang bằng những vườn nho bình thường. Điều này đã làm giảm đi phần nào lợi nhuận của vườn nho đã qua kiểm định chất lượng an toàn. Trước băn khoăn của các hộ thành viên, Ban Phát triển xã, cho biết thêm: Trong quá trình sản xuất, nông dân có được tham gia các buổi quảng bá sản phẩm nho an toàn và giới thiệu thị trường tiêu thụ nhưng việc tiến tới tìm kiếm một đầu mối nhận tiêu thụ với giá ổn định thì xã vẫn chưa ký kết được do diện tích trồng nho theo tiêu chuẩn VietGap chỉ ở mức độ mô hình. Chính vì vậy trong kế hoạch xây dựng cho năm 2015, Ban phát triển xã đã đề xuất với DASU huyện nhân rộng mô hình sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGap trên quy mô 25ha và tiến tới ký kết với doanh nghiệp thu mua ổn định cho nông dân.