DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hợp phần Dự án Hỗ trợ Tam nông

(NTO) Trong 9 tháng qua, dù còn một số vấn đề cần phải cải tiến và điều chỉnh, nhưng theo đánh giá của Đoàn giám sát IFAD (Quỹ quốc tế Phát triển nông nghiệp), kết quả đạt được của Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) tỉnh đạt yêu cầu về tiến độ và hiệu quả thực hiện. Bước đầu dự án đang dần giải quyết các nhu cầu của người dân tộc thiểu số, người nghèo, bổ sung cho các hoạt động được đề ra trong tiến trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 ở tỉnh ta.

Năm 2014 là giai đoạn giữa kỳ của Dự án HTTN, Ban Điều phối Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU) đề ra chiến lược trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của Dự án; hỗ trợ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào thị trường lao động, thị trường hàng hoá để tạo thu nhập bằng cách tăng cường nhận thức về cơ hội thị trường.

Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội
định hướng thị trường.

Nhờ sự chủ động thúc đẩy của PCU và nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, dự án đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo đà cho dự án tăng tốc về số lượng và chất lượng các hoạt động của năm tới. Cụ thể, ở Hợp phần 1 (Tăng cường năng lực thể chế để thực hiện tam nông), các đơn vị thực thi thuộc hợp phần đã và đang triển khai 37 hoạt động, đạt 50% kế hoạch. Về thể chế hóa và thực hiện MOP-SEDP (lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội định hướng thị trường), đã triển khai cho 144 thôn thuộc 27 xã dự án, trong đó đã nhân rộng cho 20 xã ngoài dự án và đang tiếp tục mở rộng trong toàn tỉnh. Đến nay, 27 xã trong vùng dự án cơ bản đã hoàn thành bảng dự thảo MOP-SEDP và tổ chức hội nghị thông qua lần 1, hiện đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan để hoàn thiện bảng kế hoạch. Theo lộ trình, đến tháng 12 các xã sẽ thông qua HĐND xã.

Đối với hai hợp phần còn lại: Hợp phần 2 (Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo), các đơn vị thực thi đã triển khai đạt trên 62,5% kế hoạch. Qua xác định và thực hiện xếp thứ tự ưu tiên chuỗi giá trị, ngoài 8 chuỗi (táo, nho, tỏi, bò, dê, cừu, chuối, heo đen) còn có các chuỗi tiềm năng khác phù hợp với địa phương. Bước đầu dự án tập trung phát triển 3 chuỗi (táo, bò và heo đen); đã hỗ trợ bò cái sinh sản, dê, cừu, giống cây (mía, chuối…) cho các CIG (nhóm cùng sở thích) tại các xã thuộc các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Hải; triển khai nhân rộng mô hình sản xuất táo, nho theo tiêu chuẩn VietGAP ở 2 huyện Ninh Phước và Ninh Hải; xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn tại 2 xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) và An Hải (Ninh Phước); tập huấn dẫn tinh viên cho cán bộ khuyến nông, thú y huyện, xã để thụ tinh nhân tạo bò địa phương nhằm nâng cao tỷ lệ sind hóa đàn bò thuộc vùng dự án; tập huấn công tác thú y và hỗ trợ túi thuốc cho cán bộ thú y 144 thôn. Thực hiện Hợp phần 3 (Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp xã theo định hướng thị trường), trong năm nay dự án tiến hành thi công 76 công trình, trong đó có 1 công trình điện, 2 công trình cầu, 25 công trình giao thông nông thôn, 13 công trình thủy lợi, 4 chợ và điểm thu mua nông sản, 31 sân phơi. Về tập huấn nâng cao năng lực người dân trong sản xuất kinh doanh, các Ban Phát triển xã đã thực hiện 165 lớp tập huấn cho 5.090 lượt người, đạt 42%, trong đó có 1.825 phụ nữ tham dự.

Theo ban lãnh đạo PCU, dự án đang được triển khai tích cực vì vậy các hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số tại các thôn, xã trong tỉnh đang được hưởng lợi rất nhiều; ngoài ra các xã còn được tạo điều kiện thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công cho phát triển nông thôn vì người nghèo, dựa trên nhu cầu, theo định hướng thị trường. Trong thời gian đến, PCU tăng cường công tác điều phối và triển khai các nhiệm vụ đề ra với các đơn vị thực thi để tìm giải pháp thực hiện hiệu quả, đồng thời giám sát quá trình thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ mà dự án đề ra.