Đồng chí Nguyễn Văn Lên, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Lâm Sơn, cho biết: Triển khai xây dựng NTM, địa phương cơ bản đã “cứng hóa” đường nội thôn, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn để xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, với đặc thù của xã miền núi, địa bàn rộng, cư dân sống rải rác ở 10 thôn, nên còn gặp khó trong việc huy động sức dân “chung tay” thực hiện chương trình. Đã vậy, doanh nghiệp đóng trên địa bàn ít, nên việc huy động nguồn vốn thực hiện các tiêu chí chủ yếu dựa vào Nhà nước.
Năm 2014, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân nhận thức được ý nghĩa của xây dựng NTM nên một số hộ đã tự nguyện hiến đất, ngày công lao động làm đường giao thông nội thôn. Cụ thể, bà con thôn Tân Bình và Lâm Hòa đóng góp số tiền hơn 100 triệu đồng cùng với sự hỗ trợ của nhà nước bê-tông 2 tuyến đường nội thôn, có tổng chiều dài hơn 800 m.
Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) hỗ trợ xã Lâm Sơn sửa chữa, nâng cấp Trường mẫu giáo, trụ sở thôn Tầm Ngân 2, góp phần vào xây dựng NTM.
Trên địa bàn xã có 5 thôn (Tầm Ngân 1, Tầm Ngân 2, Gòn 1, Gòn 2, Lập Lá) là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống dựa vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ bà con phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Từ đầu năm đến nay, xã đã hỗ trợ các hộ dân ở những thôn trên 3 con bò giống để cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò; đồng thời bê - tông đường nội thôn Tầm Ngân 1 dài gần 400m với kinh phí hơn 554 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135.
Đồng chí Nguyễn Văn Lên, cho biết thêm: Trong điều kiện khó khăn chung, để thực hiện chương trình có hiệu quả, chủ trương của xã là tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Từ nay đến cuối năm phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, hệ thống chính trị. Tuy vậy, để đạt được tiêu chí giao thông-thủy lợi vào năm tới, hiện tại xã đang tập trung đầu tư nâng cấp tuyến kênh 19 Tháng 5 dài 1.347 m; đường nội thôn Lâm Bình dài 800m.
Cũng như nhiều địa phương khác, điều mà xã Lâm Sơn lo lắng nhất là thực hiện tiêu chí thu nhập. Theo lộ trình xây dựng NTM, đến năm 2015 phấn đấu bình quân thu nhập đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm, năm 2020 lên 40 triệu đồng, trong khi hiện tại chỉ mới đạt 7,8 triệu đồng. Đồng chí Nguyễn Văn Lên, thổ lộ quyết tâm: Hiện nay xã đang triển khai nhiều hoạt động nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân như mở rộng các dịch vụ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong canh tác các loại cây trồng lợi thế. Trong đó, đáng kể nhất là tháng 4 vừa qua, xã đã chủ động ký kết với Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) trồng khảo nghiệm ớt tại thôn Tầm Ngân 2. Anh Cill Pan Ha Long thực hiện mô hình, cho biết: Hình thức liên kết với doanh nghiệp nước ngoài rất có lợi cho nông dân, bởi phía Công ty đầu tư toàn bộ kinh phí cho hộ trồng, đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá cao. Nếu mô hình khảo nghiệm thành công và được nhân rộng sẽ tạo nhiều công ăn, việc làm cho lao động ở địa phương. Đáng mừng là, qua hợp tác làm ăn, Tập đoàn CJ đã hỗ trợ xã sửa chữa, nâng cấp Trường Mẫu giáo, trụ sở thôn Tầm Ngân 2, góp phần vào xây dựng NTM.
Cùng với đó, xã cũng đang triển khai Đề án Xây dựng vườn cây ăn quả quy mô 500 ha vào năm 2020. Trước mắt, cải tại 15 ha vườn cây tạp, thay thế dần các loại cây giá trị kinh tế thấp bằng 5 loại cây ăn quả chủ lực: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, bưởi.
Anh Tùng