Theo đánh giá của DASU huyện, hầu hết các hợp phần và tiểu hợp phần của dự án đều được địa phương triển khai cơ bản đúng theo kế hoạch đề ra. Trong đó, ngoài tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực cho các thành viên và người dân trong các xã vùng dự án, thì công tác hỗ trợ các chuỗi giá trị đã thành lập đang được DASU huyện chú trọng.
Tủ thuốc thú y tại xã Hòa Sơn.
Từ năm 2013 đến nay, trên cơ sở các chuỗi giá trị được Ban điều phối tỉnh phân tích, giới thiệu và dựa vào thế mạnh của địa phương, huyện Ninh Sơn đã củng cố và thành lập được 70 nhóm cùng sở thích gồm: 45 nhóm chăn nuôi (bò, dê, cừu, heo, gà) và 25 nhóm trồng trọt (táo, mía, mì, lúa, bắp, đậu xanh) với tổng số 612 thành viên. Trong đó số hộ nghèo, cận nghèo có 339 hộ, chiếm 65%, hộ dân tộc thiểu số có 355 hộ, chiếm 58%. Đến nay, DASU huyện cũng đã hỗ trợ được 10 con bò đực, 4 con bò cái giống cho 12 nhóm sở thích nuôi bò trên địa bàn 6 xã và 196 tấn mía giống cho 3 nhóm sở thích tại xã Hòa Sơn. Ngoài ra, hiện nay Chi cục Nuôi trồng thủy sản đang xây dựng mô hình nuôi lươn thâm canh không bùn tại xã Mỹ Sơn. Theo bà Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, để các chuỗi giá trị sớm đem lại hiệu quả, ngoài việc thành lập các nhóm sở thích, huyện cũng tiến hành mở các hội nghị về các chuỗi giá trị cho các cơ sở, doanh nghiệp, tư thương trong tỉnh và người sản xuất tham gia nhằm tạo sự liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, ngoài công tác hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị do DASU huyện trực tiếp tham gia thực hiện, các xã trong vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông của huyện cũng nhận được những hỗ trợ tích cực từ các đơn vị liên ngành trong Ban điều phối tỉnh để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả. Điển hình như công tác hỗ trợ thú y của Chi cục thú y tỉnh. Qua rà soát, đến nay huyện Ninh Sơn đã thành lập được hai điểm dịch vụ thú y tại 2 xã trong vùng dự án là Hòa Sơn và Ma Nới. Tại các điểm dịch vụ này, được trang bị một tủ lạnh và một tủ thuốc quy mô vừa để chứa các loại thuốc, vắc-xin phòng ngừa và chữa bệnh cho vật nuôi khi người dân có nhu cầu. Anh Nguyễn Hoàng Long, cán bộ Ban Dự án Hỗ trợ Tam nông xã Hòa Sơn cho biết: Trước đây, khi có nhu cầu mua thuốc phòng ngừa bệnh cho vật nuôi, hầu hết người dân đều phải ra trung tâm huyện. Từ khi có các điểm dịch vụ thú y đặt tại xã đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, dù vẫn còn thiếu một số chủng loại nhưng các loại thuốc và vắc-xin được Chi cục Thú y cung cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu cho người chăn nuôi.
Hiện nay DASU huyện Ninh Sơn cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, sân phơi …để giúp người dân trong vùng dự án có điều kiện tham gia sản xuất, phát huy giá trị sản phẩm làm ra, hướng tới mục tiêu cải thiện bền vững chất lượng cuộc sống của người dân trong vùng dự án.
Nguyễn Sơn