Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ tạo được bước đột phá trong sản xuất, từ đó nâng cao mức sống cho người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc Raglai.
Nhờ có nước từ hồ Cho Mo bà con thôn Mỹ Hiệp có điều kiện mở rộng diện tích trồng lúa.
Bước vào xây dựng NTM, qua rà soát, đối chiếu theo 19 tiêu chí xây dựng NTM, xã Mỹ Sơn mới đạt được 2 tiêu chí: điện, bưu điện. Để phấn đấu đạt các tiêu chí còn lại, có rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Đồng chí Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Quan điểm chung của địa phương trong xây dựng NTM mới là không “hô hào, hình thức” mà tập trung thực hiện có hiệu quả từng tiêu chí một. Trước mắt chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân, từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân thực hiện các tiêu chí tiếp theo.
Chọn hướng đi thích hợp trong xây NTM mới của xã Mỹ Sơn là có cơ sở, vì địa phương có thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp. Với diện tích đất tự nhiên lên tới 12.870 ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 4.500 ha là điều kiện tốt để hình thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Việc địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian qua đã nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất. Đơn cử như sản xuất 1 ha thuốc lá, hộ trồng có thể thu lãi 60 triệu đồng. Tương tự, cây bắp lai, mía cũng cho thu nhập cao. Đáng mừng là, hiện nay trên địa bàn xã đã hình thành được vùng trồng cây thuốc lá quy mô 300 ha, bắp lai 1.000 ha, mía 100 ha, lúa 269 ha. Nhờ sản xuất tập trung nên rất thuận tiện trong khâu chăm sóc, bà con đồng loạt sử dụng giống mới hạn chế được sâu bệnh, năng suất đạt cao. Vụ thuốc lá 2012-2013, hộ anh Thái Vĩnh Long, ở thôn Phú Thuận trồng 2 ha, thu hoạch cho năng suất đạt hơn 2 tấn/ha. Bình quân giá thuốc lá 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 60 triệu đồng/ha. Đồng chí Chủ tịch UBND xã tự tin: Nếu hộ nào cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới vào sản xuất như hộ anh Long thì sẽ đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 14,4 triệu đồng/năm vào năm 2015 như trong lộ trình xây dựng NTM.
Điều lo lắng nhất của địa phương là giải “bài toán” giảm nghèo ở hai thôn đặc biệt khó khăn: Mỹ Hiệp và Nha Húi. Tỷ lệ hộ nghèo ở các thôn chiếm trên 40%, mà nguyên nhân chính là do bà con còn ảnh hưởng sản xuất lạc hậu. Để nâng cao đời sống của bà con ở đây, biện pháp hữu hiệu nhất là tổ chức lại sản xuất hợp lý, khai thác hết quỹ đất hiện có, hình thành vùng chuyên canh trồng thuốc lá, mía, bắp lai, lúa trên quy mô lớn. Triển vọng phát triển sản xuất ở khu vực là khả quan, vì bắt đầu từ vụ đông - xuân năm nay hệ thống kênh cấp 1, cấp 2 thuộc công trình thủy lợi hồ Cho Mo đã hoàn thành, dẫn nước về tưới cho 1.000 ha đất sản xuất quanh vùng.
Nông dân xã Mỹ Sơn đầu tư thâm canh thuốc lá đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Sơn Ngọc
Thuận lợi lớn nhất của trên tiến trình xây dựng NTM là xã Mỹ Sơn được chọn một trong 2 xã của huyện Ninh Sơn làm điểm triển khai Chương trình “Tam nông”. Theo đó, xã được ưu tiên cấp kinh phí bình quân mỗi năm trên dưới 1 tỷ đồng để bê - tông đường giao thông nội đồng; hỗ trợ giống, kỹ thuật cho các hộ nghèo thực hiện các mô hình sản xuất mới, bình quân mỗi năm 400 triệu đồng. Hiện xã đã lập kế hoạch thực hiện, ưu tiên cho thôn khó khăn trước, khi có vốn sẽ triển khai ngay.
Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng được chú trọng. Qua khảo sát của ngành chức năng, Mỹ Sơn có điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển chăn nuôi bò, dê, cừu. Hiện tổng đàn bò, dê, cừu trên địa bàn khoảng 12.000 con. Định hướng phát triển chăn nuôi ở địa phương là chuyển dần từ chăn thả quảng canh sang bán thâm canh. Để nâng cao chất lượng đàn gia súc có sừng, xã cũng đã quy hoạch khu vực trồng cỏ dọc theo sông Cái, quy mô vài trăm ha.
Có thể nói, tập trung phát triển kinh tế tạo bước đột phá thực hiện hoàn thành các tiêu chí Xây dựng NTM ở xã Mỹ Sơn là hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Tuấn Anh