Trở lại Nhị Hà vào ngày áp Tết Quý Tỵ, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi những con đường thoáng đãng, rợp bóng cây xanh. Không riêng gì trục đường liên xã dài 3,5 km, rộng 5 được bê-tông từ trước, mà gần đây hầu hết các tuyến đường nội thôn cũng đã được bê-tông hóa có tổng chiều dài gần 10 km. Đồng chí Tôn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã khoe: Trước đây đường giao thông ở các thôn gồ ghề, quanh co đi lại khó khăn. Khi đổ bê-tông, bà con hiến đất nên mặt đường được mở rộng 3,5m, đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Hằng năm, địa phương phát động phong trào “Trồng cây nhớ ơn Bác Hồ” rộng khắp nên mật độ cây xanh ở các khu dân cư ngày càng nhiều.
Nông dân xã Nhị Hà chăm sóc cây bắp. Ảnh: CTV
Ghé vào các ngôi chợ quê ở vùng cận sơn này, chúng tôi chứng kiến cảnh “kẻ mua, người bán” tấp nập chẳng thua kém gì ở vùng đồng bằng. Cả 3 thôn đều có chợ, trong đó chợ trung tâm đặt ở thôn Nhị Hà 1, quy mô rộng gần 5.000m2. Đồng chí Tôn Văn Minh, cho biết: Chợ xây dựng đã lâu, để đáp ứng nhu cầu mua bán của bà con quanh vùng, năm 2012, Nhà nước đầu tư mở rộng, làm thêm nhà lồng. Từ khi chợ được nâng cấp đến nay họp ngày 2 buổi, hàng hóa phong phú hơn, không chỉ bà con địa phương mà còn có nhiều người ở vùng cao Phước Hà đến chợ mua bán.
Không riêng chợ, các khu dân cư cũng được quy hoạch khá bài bản. Không gian nhà ở tổ chức phù hợp đặc điểm sản xuất của hộ gia đình, với diện tích khuôn viên trung bình từ 300 - 500m2/hộ. Đặc biệt, nhiều hộ có vườn rộng làm kinh tế gia trại gắn với nghề trồng hoa thời vụ và cây cảnh, nhất là mai vàng phục vụ tết. Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, trong quy hoạch xây dựng NTM từ nay đến năm 2015 xã tiếp tục chỉnh trang các khu dân cư, với các hạng mục: Xây dựng bổ sung công trình Nhà văn hóa thôn; cải tạo hệ thống giao thông, tạo điểm tránh xe trong thôn xóm, tổ chức bãi đổ kết hợp vườn hoa tại khu đất trống; tăng cường điện chiếu sáng trên đường thôn xóm và khu vực công cộng. Bên cạnh đó, hình thành thêm hai khu vực khu dân cư mới để chuyển một số hộ dân ở thôn Nhị Hà 1, Nhị Hà 2 nằm trong vùng sạt lở dọc sông Lu.
Cùng với đó, địa phương cũng ưu tiên cho đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức sống cho người dân. Nhị Hà có hệ thống kênh mương thủy lợi khá dày với tổng chiều dài 44 km. Thời gian qua, địa phương đã “cứng hóa” được 18 km đảm bảo cung cấp nước thường xuyên cho 426 ha ruộng lúa, mỗi năm 3 vụ. Tuy nhiên, còn gần 1.000 ha đất lúa trên địa bàn không chủ động nước, mỗi năm chỉ sản xuất được từ 1 đến 2 vụ. Số diện tích đất thiếu nước do nằm trong quy hoạch ruộng lúa nên muốn chuyển đổi mục đích sản xuất sang trồng các cây ăn quả cũng không được. Vì vậy, để đạt được mức thu nhập bình quân đầu người 10,7 triệu đồng/năm vào năm 2015 (hiện tại 9 triệu đồng) thì phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi. Trong Chương trình xây dựng NTM năm 2013 và những năm tiếp theo, địa phương sẽ nâng cấp, cải tạo, tu bổ, nạo vét, “cứng hóa” những tuyến kênh mương còn lại. Từ đó, hình thành vùng chuyên canh trồng lúa với tổng diện tích trên 825 ha; vùng trồng cây lâu năm được chuyển đổi từ diện tích trồng cây hằng năm hơn 150 ha.
Tuấn Anh