Góc nhìn mới Nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh nhà

(NTO) Những ngày đầu xuân, rất nhiều người xa quê đi làm ăn, sinh sống từ nơi khác trở về đã không tránh khỏi ngạc nhiên trước sự đổi mới bộ mặt nông thôn tỉnh nhà. Thật vậy, nhìn lại 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, có thể nhận ra sự đổi mới sâu sắc bộ mặt nông thôn từ miền núi đến đồng bằng; không chỉ thể hiện qua các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội, mà còn là các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đang được nhân rộng.

Anh Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh lý giải: “Để xây dựng nông thôn mới (NTM) theo chuẩn quốc gia phải hoàn thiện các tiêu chí, nhưng thật ra sự đổi mới NT sẽ thấy rõ ngay từ các công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Điều này đang diễn ra sôi động trên địa bàn tỉnh ta”. Thật vậy, với chiều dài trên 250 km đường giao thông NT liên xã trong toàn tỉnh, trong đó 17 km mặt đường được bê-tông ximăng, trên 80 km có mặt đường bê-tông nhựa; 34,9 km có mặt đường đá nhựa, 57,1 km đường cấp phối và 61 km đường đất; chưa kể trên 1.100 km đường giao thông NT nội xã đã tạo ra dáng dấp mới của NT tỉnh nhà.

 
Đường giao thông từ trung tâm xã Ma Nới lên thôn Gia Hoa
được đầu tư xây dựng phục vụ đi lại cho nhân dân địa phương. Ảnh: Văn Miên

Hiện nay, đi từ huyện miền núi Bác Ái cho đến vùng đồng bằng, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những con đường bê-tông hoặc láng nhựa phẳng phiu. Điển hình là huyện Ninh Phước, từ giao thông NT chủ yếu là đường cấp phối hoặc cán đá, đã mở rộng, nâng cấp và nhựa hóa các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn và bê-tông hóa giao thông NT với tổng chiều dài trên 100 km, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa. Nhìn rộng trên địa bàn toàn tỉnh, hiện đã có khoảng 820 km tổng chiều dài trục chính đường nội đồng phục vụ nông nghiệp, trong đó có gần khoảng 200 km đường đã cứng hóa, thuận tiện cho xe cơ giới đi lại. Có thể nói những con đường nội đồng và đường nội thôn, liên thôn đang được chú ý đầu tư đã tác động đến tiến trình xây dựng NT mới.

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế NT ở tỉnh ta, không thể không nhắc đến vai trò vô cùng quan trọng của hệ thống thủy lợi. Chỉ tính riêng trên địa bàn nông thôn tỉnh, hệ thống kênh tưới, tiêu nội đồng do xã quản lý có tổng chiều dài 1.114 km, trong đó đã được kiên cố hóa 280 km, đạt tỷ lệ 25,14% trên tổng chiều dài kênh mương hiện có. Nhiều vùng NT trong tỉnh đã nhờ các công trình thủy lợi mà mở rộng diện tích đất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Vai trò thủy lợi có thể thấy rõ tại Thuận Bắc, vốn là huyện trọng điểm thường chịu tác hại của hạn hán.

Công trình thủy lợi hồ Sông Trâu có sức chứa trên 31 triệu mét khối nước
phục vụ tưới 3.000 ha đất canh tác huyện Thuận Bắc

Từ khi có hệ thống thủy lợi hồ Sông Trâu, Thuận Bắc đã có khoảng 2.500 ha đất canh tác nông nghiệp được dẫn nước tưới. Để phục vụ nhu cầu tưới, theo tính toán của Chi cục PTNT, trong những năm tới tỉnh ta cần đầu tư bê tông hóa 500 km kênh mương nội đồng mới đạt được tiêu chí đề ra về xây dựng NT mới. Tác động của cơ sở hạ tầng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế NT ở tỉnh ta có thể nhận thấy rõ khi về các xã. Đến Phước Hậu (Ninh Phước), một xã nông nghiệp đang có những bứt phá mới làm chuyển biến hẳn bộ mặt đời sống nông dân, NT, chúng tôi được anh Võ Thành Đảo, Phó Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Nhờ luôn được sự đồng thuận của người dân, Phước Hậu đang mạnh dạn triển khai nhiều dự án lớn, trong đó điểm nhấn là tiến hành quy hoạch trung tâm hành chính xã gắn với khu dân cư theo các tiêu chí xây dựng NTM”. Hiện nay, qua khảo sát các xã đạt tiêu chí về thủy lợi ở tỉnh ta có: Phước Sơn, Phước Hậu, Phước Thái, Phước Hữu, Phước Vinh (Ninh Phước), Phước Nam, Phước Ninh, Phước Minh (Thuận Nam), Bắc Phong, Lợi Hải, Công Hải, Phước Chiến, Phước Kháng (Thuận Bắc) và Hộ Hải (Ninh Hải). Trong giai đoạn đến năm 2015, sẽ có thêm 7 xã cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi trên địa bàn đạt chuẩn phục vụ cho chương trình NTM. Mục tiêu là nhằm tăng dần nguồn nước tưới hàng năm, bảo đảm diện tích tưới đạt 72.298 ha vào năm 2015.

Công trình thủy lợi Phước Trung phát huy hiệu quả tưới giúp nông dân thôn Lương Tri (xã Nhơn Sơn)
thâm canh cây lúa vụ mùa trên cánh đồng Nha Húi đạt 70 tạ/ha. Ảnh: Sơn Ngọc

Bên cạnh phát triển giao thông nối liền các vùng NT và phát triển thủy lợi tăng năng lực tưới, tỉnh ta hiện đã có 100% số xã có điện lưới, 95% số hộ dân được dùng điện. Hình ảnh mới của NT càng sinh động hơn qua sự hình thành mạng lưới các công trình cấp nước sinh hoạt NT, đến nay toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ 82% người dân NT sử dụng nước hợp vệ sinh. Nhìn chung, sau nhiều năm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nông nghiệp và kinh tế NT tỉnh nhà đã có chuyển biến trên nhiều mặt, thể hiện ở giá trị thu nhập các hộ nông dân không ngừng nâng cao. Cùng với kết cấu hạ tầng, việc chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân đã góp phần mạnh mẽ làm tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp.

Sự đổi mới đã hiển hiện qua sản xuất phát triển và đời sống dân cư NT từng bước được cải thiện, qua một số nhân tố mới như phong trào ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu của thị trường và nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác. Nếu so sánh hình ảnh đổi mới NT hiện nay với tiêu chí xây dựng NTM, có thể thấy NT tỉnh ta đã có tiền đề vững chắc. Điều quan trọng là từ góc nhìn này, các địa phương sẽ năng động hơn trong huy động các nguồn lực xã hội đóng góp để xây dựng NT hiện đại, tương xứng giai đoạn phát triển mới của quê hương, đất nước.