Thuận Nam chuyển mình nhờ xây dựng nông thôn mới

Sau 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thuận Nam đạt được những bước tiến vượt bậc. Diện mạo NTM ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống của người dân được nâng lên.

Từ một huyện nghèo, đến nay, Thuận Nam đã có 7/8 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã hoàn thành NTM nâng cao; hoàn thành 5/9 tiêu chí huyện NTM. Bên cạnh đó, địa phương đã nhựa hóa, bê tông hóa hàng trăm km đường giao thông liên xã, liên thôn; kiên cố hóa 28 trường học, 8 trạm y tế, 120km kênh mương cấp 3. Đặc biệt, tất cả các khu dân cư tại 37 thôn, thuộc 8 xã trên địa bàn đã hoàn chỉnh hệ thống cung cấp điện chiếu sáng và nước sạch sinh hoạt.

Cơ sở hạ tầng giao thông tại Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Nỷ

Để đưa kinh tế địa phương phát triển, những năm qua UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương lồng ghép các chương trình, dự án; tập trung nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm, táo, nho bao lưới, chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa và duy trì 623 ha sản xuất cánh đồng lớn tại 3 xã Phước Ninh, Phước Nam và Nhị Hà. Đồng thời, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ 4.0; cơ giới hóa, tự động động hóa các quy trình canh tác tiên tiến, từng bước tạo ra những sản phẩm an toàn... góp phần nâng giá trị sản phẩm bình quân từ 63,3 triệu đồng/ha vào năm 2020 lên khoảng 147 triệu đồng/ha vào năm 2025.

Đến nay, Thuận Nam thu hút 7 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; triển khai cho 12 tổ chức, doanh nghiệp thực hiện mã số vùng trồng ở các xã: Phước Dinh, Nhị Hà, Phước Minh, Phước Ninh; có 36 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 32 sản phẩm xếp hạng 3 sao, 4 sản phẩm xếp hạng 4 sao. Huyện đã thành lập 18 hợp tác xã, đến nay 8/8 xã đã có hợp tác xã theo quy định về tổ chức sản xuất đảm bảo tiêu chí số 13.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thuận Nam giảm từ 10,22% năm 2021 xuống còn 3,39% vào cuối năm 2024. Bình quân thu nhập đầu người tăng từ 38 triệu đồng/người/năm vào năm 2021 lên 42 triệu đồng/người vào năm 2024. Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná, Phước Minh là những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được nâng lên. Môi trường sống, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. 99% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. 6/8 xã ký kết với Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá tại các khu dân cư nhận được sự tham gia tích cực của đông đảo người dân.

Một góc xã Phước Nam (Thuận Nam). Ảnh: N.Diệp

Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, cuối tháng 4 vừa qua, UBND huyện Thuận Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lắng nghe ý kiến người dân tham gia xây dựng NTM. Tại hội nghị này, nhiều người cho rằng: Quá trình xây dựng NTM đã mang lại nhiều thay đổi cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây thật sự là chương trình hiệu quả và ý nghĩa. Thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp tới đây địa giới hành chính các địa phương có thay đổi, tuy nhiên người dân mong muốn chương trình sẽ được tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành.

Với những kết quả đạt được trong xây dựng NTM; với sự chung sức, đồng lòng của người dân và sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Nam tiếp tục nỗ lực đạt được mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.