Theo khảo sát của chúng tôi, từ ngày 20-2 (Mùng 5 Tết), hộ kinh doanh ở các chợ trên địa bàn tỉnh đã buôn bán đông đủ trở lại. Nhìn chung, giá cả các mặt hàng thịt và rau củ quả dần “hạ nhiệt” so với trước tết. Cụ thể: súp lơ dịp giáp tết giá bán 20.000-30.000 đồng/cây nay chỉ còn 15.000 đồng/cây; dưa chuột giảm còn 8.000 đồng/kg; rau muống có giá 3.000 đồng/bó; thịt heo dao động từ 90.000-110.000 đồng/kg....
Nhộn nhịp mua bán hải sản ở Chợ Nại (Ninh Hải).
Trong khi thịt và rau củ đã ổn định giá thì các loại hải sản vẫn giữ mức giá khá cao. Được biết đến là khu chợ “hải sản” tươi ngon có tiếng tại huyện Ninh Hải, chợ Nại luôn tấp nập, thu hút lượng khách lớn. Bên cạnh người dân địa phương còn có nhiều du khách tỉnh bạn như: TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng... đến tham quan, mua hải sản về làm quà cho người thân. Cầm trên tay mấy bịch cá lớn, anh Đặng Văn Sang, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh hớn hở: Sau chuyến du xuân thú vị tại các điểm du lịch tại Ninh Thuận, tôi cùng gia đình ghé thăm chợ Nại để thỏa sức ngắm hải sản tươi ngon nơi đây. Đồng thời, mua gần 20 kg cá các loại về để ăn và biếu anh em, bạn bè.
Có mặt tại chợ Thanh Sơn vào sáng ngày 21-2 (Mùng 6 Tết), chúng tôi ghi nhận không khí mua bán tấp nập tại khu vực bán hàng hải sản. Chị Nguyễn Giáng Hương, phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Để thay đổi với các món ăn chế biến từ thịt, tôi tranh thủ ghé chợ mua ít cá về để cân đối dinh dưỡng bữa ăn gia đình. Do sức mua tăng trong khi lượng hải sản sau tết chưa nhiều nên giá mặt hàng hải sản tăng cao. Trung bình, mỗi kg cá tăng từ 20- 70 nghìn đồng so với thường ngày, thậm chí có những mặt hàng tăng giá gấp đôi. Cụ thể: cá thu có giá 350 nghìn đồng/kg, cá bè cu giá 450 nghìn đồng/kg, cá kình có giá 200 nghìn đồng/kg, cá ngừ câu có giá 150 nghìn đồng/kg, mực các loại dao động từ 100- 400 nghìn đồng/kg, cá bè có giá 250 nghìn đồng/kg… Riêng cá bớp giữ nguyên giá ở mức 200 nghìn đồng/kg nguyên con và 250 nghìn đồng/kg cắt lát. Các mặt hàng nghêu, sò, ốc các loại cũng tăng thêm từ 10- 30 nghìn đồng/ kg.
So với các năm trước, thị trường thực phẩm sau Tết có phần ổn định hơn. Nguyên nhân nhờ nguồn cung dồi dào, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, dự trữ sau Tết. Bên cạnh đó, việc tổ chức bán hàng bình ổn giá trước, trong và sau Tết góp phần duy trì ổn định giá cả thị trường.
Mỹ Dung - Ngọc Diệp