Phước Hà là xã miền núi đặc biệt khó khăn, toàn xã có 838 hộ/3.737 nhân khẩu, sinh sống trên 5 địa bàn dân cư. Với đặc thù xã có gần 95% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, trình độ canh tác và sản xuất còn hạn chế nên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Do đó, cấp ủy, chính quyền xã luôn tập trung tìm các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với điều kiện địa phương. Đặc biệt, chú trọng đến công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần vươn lên ngay từ “nội lực” của mỗi hộ gia đình. Cùng với đó là tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức đào tạo nghề, mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển kinh tế…
Nghề chăn nuôi gia súc đã giúp nhiều hộ dân ở xã Phước Hà thoát nghèo bền vững.
Xác định kinh tế nông nghiệp là hướng chủ đạo, với lợi thế nằm ở đầu nguồn hồ Tân Giang, Sông Biêu, xã tập trung bố trí hợp lý cây trồng theo thế mạnh của địa phương và xây dựng kế hoạch chuyển đổi các loại cây ngắn ngày phù hợp với đặc điểm từng vùng. Nhờ đó, diện tích lúa luôn chủ động được nước tưới và sản xuất ổn định từ 2-3 vụ/năm trên 1.200 ha; cây bắp lai, đậu xanh… được phân bổ rộng khắp trên các vùng đất gò đồi, mang lại hiệu quả nhất định và được nhân rộng ra nhiều thôn với diện tích trên 250 ha. Ngoài ra, địa phương cũng đã chủ động thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới đến nông dân, bước đầu khẳng định được giá trị kinh tế như: Mô hình trồng chuối, mít, dừa, xoài trên vùng đất dốc, với gần 150 ha; mô hình nuôi dê, cừu sinh sản, bò vỗ béo thu hút được nhiều nông hộ tham gia. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được xã chú trọng, mỗi năm có hơn 100 lao động được tham gia học nghề, các học viên sau khi qua lớp đào tạo đều nắm vững kiến thức, áp dụng hiệu quả trong sản xuất, nhiều lao động cũng có việc làm ổn định ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, địa phương còn tranh thủ tối đa các nguồn vốn của cấp trên phân bổ để hỗ trợ cho nông dân đầu tư phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng trong năm 2017, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135, xã Phước Hà đã cấp 33 con bò, giống dưa leo, đu đủ, ớt cho 50 hộ, với tổng kinh phí trên 340 triệu đồng. Ngoài ra, hỗ trợ chuyển đổi nghề theo quyết định 755/QĐ-TTg cho 33 hộ để mua bò, dê, cừu phát triển chăn nuôi, với số tiền 165 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm trên địa bàn xã có trên 600 hộ được tiếp cận vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đáng kể đời sống gia đình. Ông Pa Tâu A Xá Chú, ở thôn Giá, chia sẻ: Gia đình trước đây thuộc hộ nghèo, đầu năm 2014 được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay thêm 8 triệu đồng, đầu tư mua 2 con bò về nuôi. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ xã về cách chăm sóc nên đàn bò phát triển nhanh, từ số tiền bán bò, gia đình đã tích lũy được vốn và đầu tư cải tạo lại đất trồng thêm 2 sào lúa và 5 sào bắp lai, nhờ vậy mà thoát được nghèo, cuộc sống đã ổn định hơn…
Đồng chí Tạ Yên Thị Cam, Chủ tịch UBND xã Phước Hà nhìn nhận: Ngoài nỗ lực của địa phương còn có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đã giúp hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo được giảm dần qua từng năm, chỉ tính riêng trong năm 2017 đã có 26 hộ thoát nghèo. Quan trọng hơn nữa là bà con đã có sự tìm tòi, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, mạnh dạn đầu tư làm kinh tế, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; một số hộ đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo của xã. Phát huy những kết quả đạt được, xã tiếp tục tập trung chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tìm hiểu, nắm rõ nguyên nhân, tình trạng các hộ nghèo. Trên cơ sở đó, hướng dẫn hộ nghèo phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ và giúp người dân tiếp cận với các mô hình sản xuất mới, tạo việc làm cho lao động… phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình từ 4-5%.
Hồng Lâm