|
Đồng chí Nguyễn Nhị Linh Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh |
Phóng viên: Đồng chí cho biết tình hình bệnh HIV/AIDS ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Nhị Linh: Năm 1990, Việt Nam phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên, tính đến tháng 5-2017 cả nước có 209.754 người nhiễm HIV hiện còn sống và 90.882 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Trong số bệnh nhân nhiễm HIV, có hơn 122.430 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ARV, tăng gần 6.000 bệnh nhân so với năm 2016. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện mới 6.880 người nhiễm HIV, 3.480 bệnh nhân AIDS và 1.260 trường hợp tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm HIV là nam giới được phát hiện chiếm hơn 60%, nhóm tuổi nhiễm HIV nhiều nhất từ 30 - 39 tuổi, lây qua đường tình dục chiếm trên 50% số trường hợp nhiễm. Tại tỉnh ta, từ năm 1995 đến tháng 11-2017, đã phát hiện 465 trường hợp nhiễm HIV, hiện tại còn sống là 275 trường hợp, trong đó có 140 trường hợp chuyển sang AIDS; số tử vong từ năm 1995 đến nay là 190 người. Số bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị bằng thuốc kháng vi-rút HIV là 149 người, trong đó có 12 trẻ em.
Theo các chuyên gia, số người bị nhiễm ghi nhận và thống kê ít hơn nhiều so với thực tế. Rõ ràng, HIV/AIDS đã và đang trở thành mối đe dọa đối với sự phát triển của đất nước và cuộc sống của mỗi chúng ta. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ước tính hiện nước ta vẫn còn khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa biết mình bị bệnh (chiếm 20% số người nhiễm). Những người này sẽ là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng. Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc tế HIV/AIDS đã phát động mục tiêu 90-90-90 (có nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi- rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi- rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở mức độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Trong các mục tiêu trên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV là mục tiêu hết sức quan trọng, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu còn lại. Do vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 ở nước ta tập trung vào chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm- Hướng đến mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.
Phóng viên: Vậy Tháng hành động năm nay tập trung vào những hoạt động gì?
Đồng chí Nguyễn Nhị Linh: Trong Tháng hành động, ngoài tổ chức lễ phát động, lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12), các địa phương cùng các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng đẩy mạnh các đợt chiến dịch giáo dục truyền thông, tập trung tuyên truyền vào các nội dung: Biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV; lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với các nhóm có hành vi nguy cơ cao; giới thiệu, quảng bá rộng rãi cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị ARV có sẵn tại địa phương, đơn vị, bao gồm các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là người dễ bị tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng; tuyên truyền sự cần thiết, quyền lợi và các quy định, thủ tục tham gia, cũng như cách sử dụng BHYT khi khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS; Luật Phòng, chống HIV/AIDS…
Ngoài ra, ngành Y tế sẽ mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như tư vấn xét nghiệm HIV lưu động; điều trị Methadone; điều trị ARV; tiếp tục triển khai, mở rộng dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho người dân có nhu cầu tại cộng đồng, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao… nhằm can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; đồng thời nhằm vận động sự chung tay của mỗi cá nhân, cộng đồng thực hiện mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết mình mắc bệnh vào năm 2020.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Uyên Thu (thực hiện)