Từ năm học 2016-2017 đến nay, tuy không mở thêm các lớp học theo mô hình VNEN, nhưng từ hiệu quả mà mô hình mang lại, nhà trường đã vận dụng linh hoạt hình thức tổ chức, phương pháp dạy học của mô hình này vào giảng dạy các lớp (từ khối 6 đến khối 8) học theo chương trình sách giáo khoa hiện hành.
Giờ học môn Lịch sử lớp 8.1, Trường THCS Phan Chu Trinh.
Có dịp tham dự tiết học môn Lịch sử của lớp 8.1, Trường THCS Phan Chu Trinh (lớp duy nhất học tập theo mô hình VNEN từ năm học 2015-2016 đến nay), chúng tôi mới cảm nhận hết không khí sôi nổi, hào hứng của HS nơi đây. Trong lớp, HS ngồi theo nhóm, mỗi nhóm từ 5-6 HS. Sau khi cô giáo đặt câu hỏi với nội dung xoay quanh chủ đề Cách mạng Tháng Mười Nga, HS 6 nhóm bắt đầu thảo luận, phát biểu ý kiến, phản biện, tạo nên bầu không khí học tập hết sức sôi nổi, thoải mái. Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Vỹ, giáo viên (GV) dạy môn Lịch sử, chia sẻ: Từ khi áp dụng mô hình VNEN, GV không còn phải “độc thoại” trên bục giảng mà thay vào đó là cách hướng dẫn, gợi mở-đúc kết vấn đề, hỗ trợ HS cách tự tìm tòi, nghiên cứu, làm bài tập theo nhóm. Qua thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy HS theo học mô hình VNEN chuẩn bị bài ở nhà có chất lượng, các em tự tin, tự giác trong học tập. Nhờ tính tương tác của mô hình nên các em tiếp thu bài nhanh, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, học tập, GV nhờ vậy cũng phấn khởi hơn rất nhiều.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Năm học 2015-2016, trường triển khai mô hình VNEN cho HS lớp 6.1 (nay là lớp 8.1) với 35 HS. Hai năm học qua, do không có phòng máy vi tính nên để duy trì lớp học theo mô hình VNEN, nhà trường phải liên hệ, gửi HS sang Trường THPT Nguyễn Văn Linh học nhờ môn Tin học… Với nguyên tắc “lấy HS làm trung tâm”, mô hình VNEN cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực HS; gắn kiến thức với thực tiễn, thực hành… Nhờ mô hình này, HS ngày càng tự tin, tự giác, năng động trong học tập, giao tiếp nên GV, phụ huynh, HS hết sức tin tưởng, ủng hộ. Nhận thấy hiệu quả mà mô hình mang lại, từ năm học 2016-2017 đến nay, tuy không mở thêm các lớp học theo mô hình VNEN (do điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, nhà trường không có phòng máy vi tính), song nhà trường đã linh hoạt vận dụng hình thức tổ chức (bố trí HS ngồi học theo nhóm, trang trí lớp học…), phương pháp dạy học của mô hình VNEN vào giảng dạy các lớp theo học chương trình sách giáo khoa hiện hành, nhằm đổi mới căn bản từ hoạt động của GV thành hoạt động của HS, chuyển đổi hình thức dạy học từ chỗ GV truyền thụ kiến thức sang việc HS tự giác, tự học, lấy HS làm trung tâm, hoạt động ở quy mô lớp thành hoạt động ở quy mô nhóm. Việc ứng dụng này là phù hợp bởi đa phần HS từ lớp 6 đến lớp 8 của trường đã theo học mô hình VNEN ở cấp tiểu học; việc ứng dụng VNEN là ứng dụng hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, còn nội dung dạy học và cách thức đánh giá HS vẫn thực hiện theo chương trình giáo dục hiện hành; đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên nhà trường gồm 30 người, đa phần trẻ tuổi, có trình độ đều đạt chuẩn và 80% trên chuẩn, có khả năng bắt kịp nhanh với sự đổi mới. Sau hơn 1 năm triển khai, việc vận dụng “ưu điểm” của mô hình VNEN đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Năm học 2016-2017, tỷ lệ duy trì sĩ số HS của trường đạt 99,7%; 59,2% HS có học lực khá, giỏi; 100% HS được công nhận tốt nghiệp THCS… Nhà trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm học 2014-2015; đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 1 năm học 2015-2016.
Năm học 2017-2018, Trường THCS Phan Chu Trinh có 380 HS, với 11 lớp. Trong đó lớp 8.1 học tập theo mô hình VNEN, 8 lớp thuộc các khối 6, 7, 8 vận dụng hình thức tổ chức, phương pháp dạy học của mô hình VNEN vào giảng dạy chương trình sách giáo khoa hiện hành. Được sự quan tâm, của Sở Giáo dục và Đào tạo, cuối tháng 9-2017, nhà trường được nhận 27 máy vi tính xách tay đã qua sử dụng do Công ty TNHH Diageo Việt Nam trao tặng. Nhờ số máy tính trên, năm học này, HS lớp VNEN có điều kiện học môn Tin học tại trường. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm, giúp GV biết tổ chức lớp học, chủ động, linh hoạt đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm khơi dậy niềm đam mê, hứng thú, khả năng sáng tạo của HS; quan sát, đánh giá năng lực, hỗ trợ nhiều hơn cho những em yếu kém, giúp các em tự tin trong giao tiếp, học tập, rút ngắn khoảng cách với các bạn khá, giỏi…
Lâm Anh