Ngay trong lễ phát động, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, đơn vị luôn đồng hành với các chính sách an sinh xã hội tỉnh thời gian qua, đã ủng hộ 6 tỷ đồng để mua bò sinh sản hỗ trợ cho người nghèo, với mong muốn giúp bà con nghèo Ninh Thuận có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Liên đoàn Lao động tỉnh ủng hộ 1 tỷ đồng, số tiền này do cán bộ, đoàn viên trong tỉnh trích từ ngày lương lao động, chỉ mong góp một phần nhỏ tiếp sức cho các hộ nghèo có mái ấm an cư, ổn định vươn lên trong cuộc sống. Ni cô Chơn Đoan, Chùa Bửu Hòa, xã Phước Hải (Ninh Phước) nghe tin phát động đến ủng hộ 50 triệu đồng. Theo Ni cô Chơn Đoan, đây là tấm lòng của tăng ni, Phật tử nhà chùa gửi đến Quỹ “Vì người nghèo” để góp phần xây dựng thêm nhiều mái ấm cho người nghèo trong tỉnh. Hay ông Lưu Xuân Phong, cán bộ hưu trí ở tỉnh Quảng Ngãi, người gốc Ninh Thuận, nghe tỉnh nhà phát động, ông đã ủng hộ 100 triệu đồng cho quỹ với mong muốn trợ sức cho người nghèo vươn lên.
Đây chỉ là 4 trong hàng trăm tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh khi nghe tỉnh phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2017, họ tự nguyện tìm đến đóng góp, sẻ chia với mong muốn được quan tâm, giúp đỡ những hộ nghèo có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Nói sao hết niềm vui của người nghèo, chị Trương Thị Vượng, ở thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận (Ninh Phước) thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ từ nguồn quỹ này để xây dựng nhà ở, cho biết: Cuối năm 2015, gia đình chị được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng, cộng với số tiền dành dụm của gia đình 12 triệu đồng để xây nhà. Sau hơn 1 tháng xây dựng, gia đình chị đã có ngôi nhà khang trang. Có được ngôi nhà che nắng, che mưa, vợ chồng chị yên tâm lao động sản xuất và đến cuối năm 2016, gia đình đã nỗ lực làm ăn vươn lên thoát nghèo. Hay chị Chị Ka Tơ Hằng, ở thôn Trà Nô, xã Phước Hà (Thuận Nam), là một trong những hộ thuộc diện hộ nghèo trong thôn. Đầu năm 2017, gia đình chị được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao tặng 1 con bò sinh sản, sau gần 1 năm chăm sóc, đến nay con bò sinh sản được 1 con bê cái, từ đây giúp gia đình có thêm điều kiện để phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống.
Quả thật, hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở tỉnh ta không chỉ biểu hiện sinh động từ những con số mà quan trọng hơn là qua đó vừa khơi dậy tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội, vừa nâng cao ý thức tự lực vươn lên của hộ nghèo. Thông qua đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, từ nguồn quỹ hỗ trợ đóng góp này, tỉnh đã xây dựng và sửa chữa được 12.587 căn nhà chính sách cho hộ nghèo, với tổng trị giá trên 100,88 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, tỉnh cơ bản xóa được nhà tạm cho hộ nghèo và hộ nghèo dân tộc thiểu số. Riêng từ đầu năm đến ngày 21-11-2017, Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh tiếp nhận sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh với số tiền 9,02 tỷ đồng. Qua đó, đã trích từ nguồn quỹ hỗ trợ quà tết cho 20.253 hộ nghèo toàn tỉnh (mỗi hộ 200.000 đồng); hỗ trợ xây dựng 240 nhà Đại đoàn kết, nhà ở theo Quyết định 33/QĐ-TTg và Quyết định 48/QĐ-TTg... Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 406 năm 2017 thuộc Chương trình “Hỗ trợ đồng bào Bác Ái, góp phần giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020, Quỹ “Vì người nghèo” đã tiếp nhận và trao 400 con bò sinh sản cho đồng bào nghèo huyện Bác Ái (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam hỗ trợ); tiếp nhận các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ 300 con bò cho đồng bào nghèo 2 huyện Thuận Bắc và Thuận Nam; hỗ trợ 100 con bò cho đồng bào các xã bãi ngang trong tỉnh... để bà con phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
Mặc dù đạt nhiều thành tích trong công tác giảm nghèo, nhưng hiện nay công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều thách thức. Do tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo ở tỉnh ta vẫn còn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2016 còn 20.253 hộ, chiếm 12,54% số hộ trên địa bàn tỉnh. Hầu hết những hộ nghèo và cận nghèo đều làm nông nghiệp; trong khi đó do điều kiện thời tiết bất thường nên lĩnh vực nông nghiệp được dự báo sẽ gặp nhiều rủi ro. Đã vậy, nhiều mô hình kinh tế chưa thật sự phát huy hiệu quả, đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kinh tế nông hộ thiếu gắn kết, nông dân chưa qua đào tạo nghề và việc làm thiếu ổn định chiếm tỷ lệ cao, nguy cơ tái nghèo vẫn thường xảy ra.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt theo phương pháp tiếp cận đa chiều về các chính sách an sinh xã hội để giảm nghèo bền vững. “Ở đó ngoài ý thức tự lực của mỗi gia đình, các chính sách phát triển kinh tế có hiệu quả của địa phương thì cần lắm những tấm lòng, nghĩa cử thiện nguyện của các đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm để đồng hành, trợ lực cho hộ nghèo có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”-đồng chí Phan Hữu Đức, UVTV Tỉnh ủy , Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chia sẻ.
Xuân Bính