Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương từng bước cải thiện đời sống, hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tháng 9-2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Vườn Quốc gia Núi Chúa và Viện Sinh học Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh triển khai mô hình phát triển thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng trong thôn, với 4 tổ/27 phụ nữ tham gia. Theo đó, các thành viên trong tổ sẽ tận dụng các loại hạt rụng từ các loại cây rừng như: Bồ đề, gò đỏ, cam thảo, mắt mèo… có trong Vườn Quốc gia Núi Chúa để kết thành chuỗi vòng đeo tay, đeo cổ, móc chìa khóa… Chị Phạm Thị Mỹ Nhơn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Hải cho biết: Mục đích triển khai mô hình nhằm giúp chị em trong thôn có thêm thu nhập bằng cách làm ra và bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các loại hạt cây rừng cho khách du lịch và sản xuất theo đơn đặt hàng ở các tỉnh, thành phố. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hoạt động ổn định, Dự án Tam nông đã hỗ trợ gần 85 triệu đồng xây dựng nhà trưng bày, UBND xã cấp 10 triệu đồng để các thành viên trong tổ thu mua các loại hạt nguyên liệu dự trữ và một số dụng cụ để làm ra sản phẩm. Qua đó, không chỉ giúp chị em có thêm thu nhập, mà còn lưu giữ và duy trì được bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai.
Phụ nữ thôn Cầu Gãy làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng.
Qua triển khai hoạt động, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu, được xem là hướng đi phù hợp, có khả năng tạo sinh kế lâu dài cho người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, qua thời gian đầu thực hiện, các tổ nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ nhanh chóng, thu nhập của chị em từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng, nhờ vậy cải thiện đáng kể đời sống gia đình. Tuy nhiên 3 năm trở lại đây, đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sản phẩm có phần đơn điệu, chưa sáng tạo được mẫu mã mới, cơ hội lựa chọn không nhiều nên chưa đáp ứng được tiêu chí của khách hàng. Chị Cao Thị Thủy, Tổ trưởng Tổ thủ công mỹ nghệ thôn Cầu Gãy chia sẻ: Trước đây, mặt hàng này rất được ưu chuộng tại TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Nha Trang… nhiều đơn hàng được đặt với số lượng lớn, phải làm cả ban đêm mới kịp giao hàng. Đặc biệt trong các dịp lễ, tết, khách du lịch đến địa phương thường tìm mua làm quà lưu niệm. Tuy nhiên thời gian gần đây, thị trường bão hòa, khiến sản phẩm tiêu thụ ngày càng chậm. Bên cạnh đó, các loại hạt trong quá trình bảo quản sau một thời gian thì bị mọt đục khoét, hư hỏng nên sản phẩm làm ra không đẹp, chất lượng không cao. Nhiều tháng nay, tổ chỉ hoạt động cầm chừng, một số chị em phải tìm công việc khác để trang trải cuộc sống gia đình.
Để tìm hướng phát triển lâu dài cho mô hình thủ công mỹ nghệ ở thôn Cầu Gãy, theo đồng chí Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, hiện nay địa phương đã đề xuất UBND huyện phối hợp với các ngành chức năng tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trước mắt, Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai các biện pháp hỗ trợ nâng cao kỹ thuật bảo quản sản phẩm. Ngoài ra, UBND huyện cũng liên kết với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đến các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh, giúp người dân sớm ổn định sản xuất trong thời gian tới.
Hy vọng, với những giải pháp thiết thực của các ngành chức năng, sẽ tạo điều kiện cho bà con Raglai địa phương có thêm việc làm, nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
Hồng Lâm