Ở các nước phương Tây, mọi người thường sẽ cân nhắc nhiều khi mua một sản phẩm hàng hiệu, trong khi ở Việt Nam việc này lại có ý nghĩa thể hiện địa vị của mình. Tuy nhiên, giá trị của một con người dựa vào nhiều thứ quan trọng hơn vật chất. Phải chăng, chúng ta nên đánh giá về một con người dựa trên nhân cách của họ hơn là thứ họ mặc trên người hoặc sở hữu một trang sức hay vật dụng nào đó.
Với tâm lý sính ngoại, nhiều bạn trẻ ngày nay thích hàng “xách tay” hay “order” mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ nước ngoài về để dùng. Khác với hàng nội địa bị “bỏ quên”, một loạt mỹ phẩm như son, phấn, kem dưỡng da… được bày bán trên thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ có giá thành đắt hơn hẳn, nhưng vẫn khiến nhiều người đua nhau chi tiền để mua sắm. Mặt khác, những món mỹ phẩm mang tên “xách tay” lại nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của nhiều “thượng đế”, nhưng thực tế không phải ai sử dụng cũng mang nhiều hiệu quả.
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình “hàng Việt Nam chất lượng cao”, “ Hàng Việt bình ổn giá” được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại… có hiệu ứng rõ rệt. Cũng có nhiều mặt hàng Việt chẳng những nổi tiếng ở trong nước mà cả trên thị trường quốc tế như: gấm Thái Tuấn, quần áo Việt Tiến, sữa Vinamilk, dép Biti’s...
Để hàng Việt được người Việt ưa chuộng, có vị thế trên sân nhà thì tất cả mỗi công dân phải cùng chung tay, góp sức tôn vinh. Hãy làm tốt công tác tuyên truyền và vận động người Việt dùng hàng Việt thông qua các kênh truyền thông và nhất là mạng xã hội, vì nơi ấy luôn có tính tương tác cao. Đây cũng là một trong những cách để nhiều người biết đến hàng Việt và sử dụng hàng Việt nhiều hơn.
Thùy Anh