Đóng trên địa bàn thôn Phú Thọ (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Trường TH Phú Thọ là một trong những đơn vị quan tâm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển, đảo cho HS. Thầy giáo Lê Văn Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn quan tâm, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo cho HS, thông qua việc lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các tiết học chính khóa môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ đầu tuần, các cuộc thi tìm hiểu biển, đảo… Từ chương trình giảng dạy đã giúp HS nâng cao hiểu biết, ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đã hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; trở thành những “tuyên truyền viên” tích cực đem những kiến thức được học phổ biến với người thân, gia đình, cộng đồng cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Mô hình bản đồ Việt Nam giúp HS Trường TH Phước Thắng (Bác Ái) hào hứng với các tiết học ngoại khóa
về biển, đảo quê hương.
Để HS hào hứng, tiếp thu bài nhanh và hiệu quả, bên cạnh kiến thức tích hợp từ sách giáo khoa, giáo viên Trường TH Phú Thọ còn chủ động tìm kiếm, đưa ra những dẫn chứng thiết thực, cụ thể… Thầy giáo Nguyễn Văn Chính, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, chia sẻ: Để HS hiểu kỹ, nhớ lâu, trong mỗi giờ lên lớp, bên cạnh kiến thức từ sách vở, giáo viên của trường thường sử dụng bản đồ, tranh, ảnh tư liệu về đề tài biển, đảo. Đặc biệt, với lợi thế là phường ven biển, giáo viên còn liên hệ thực tế từ vùng biển địa phương, giúp HS nhận thức đúng về biển, đảo; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; hiểu biết và có kỹ năng ứng phó với thiên tai thường gặp…
Đa dạng hóa các hình thức giáo dục tình yêu biển, đảo cho HS, các trường trên địa bàn tỉnh như: Trường THPT Tôn Đức Thắng (Ninh Hải), Trường TH Suối Giếng (Thuận Bắc), Trường TH Phước Thắng (Bác Ái)… còn quyên góp, xây dựng mô hình bản đồ Việt Nam và các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ngay trong khuôn viên của trường. Trong đó, nổi bật phải kể đến Trường TH Phước Thắng đã vận động các doanh nghiệp, chính quyền, phụ huynh và tập thể giáo viên hơn 30 triệu đồng, 40 ngày công để xây dựng mô hình bản đồ Việt Nam ngay giữa sân trường, với chiều dài 11 m, rộng 6 m... Thầy giáo Phan Ngọc Còi, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi: Mô hình bản đồ Việt Nam do Chi đoàn giáo viên nhà trường vận động kinh phí, thiết kế xây dựng và khánh thành đưa vào sử dụng trong năm học 2014-2015 đã trở thành niềm tự hào của cán bộ, giáo viên và HS. Mô hình là không gian lý tưởng để HS trải nghiệm thực tế, có thêm kiến thức về vị trí địa lý, lãnh thổ đất liền, biên giới, biển, đảo Việt Nam. Thông qua mô hình dạy học trực quan này, nhà trường mong muốn giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, biển, đảo cho các thế hệ HS; giúp các em hiểu được sự hy sinh to lớn trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo của các thế hệ đi trước, từ đó nhận thức đúng đắn về biển, đảo quê hương, hun đúc tình yêu, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bên cạnh hoạt động từ các trường phổ thông, thực hiện công tác giáo dục tình yêu, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho HS, vào dịp hè vừa qua, Ban Chỉ đạo hè phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) còn phối hợp với Đồn Biên phòng Ninh Chử tổ chức tuyên truyền về biển, đảo cho hơn 100 HS tham gia sinh hoạt hè tại địa phương; Thư viện tỉnh tổ chức cho HS tiểu học và trung học cơ sở tham gia cuộc thi vẽ tranh trên máy tính với chủ đề “Thiếu nhi Ninh Thuận với biển đảo quê hương”… Đây là những hoạt động thiết thực, góp phần tạo sân chơi bổ ích, giáo dục thế hệ trẻ nâng cao hiểu biết, hình thành ý thức và trách nhiệm công dân của mình trong việc xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lâm Anh